Thứ sáu, 27/12/2024
Thứ bảy, 21/12/2019, 09:22 (GMT+7)

6 công trình giao thông dở dang tại TP HCM

Tuyến Metro Số 1, cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai 2, hầm chui An Sương... đều trễ hẹn khiến hạ tầng giao thông gặp khó khăn.

Tuyến Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2007 và khởi công tháng 8/2012, có chiều dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Công trình dự kiến hoàn thành năm 2017, được kỳ vọng là bước ngoặt thay đổi phương tiện đi lại của người dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh khiến tuyến metro liên tục trễ hẹn. Hiện dự án đạt 75% tổng khối lượng công việc và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Hình hài tuyến metro cơ bản hoàn thiện, gồm tuyến đường trên cao chạy song song Xa lộ Hà Nội, đi qua đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh và kết nối vào các nhà ga ngầm ở Ba Son, Nhà hát thành phố và Bến Thành.

17 km đường ray, đoạn đi trên cao được triển khai từ tháng 10/2017. Toàn tuyến có 11 nhà ga trên cao cũng mới xong cơ bản phần khung.

Nguyên nhân chính khiến Metro Số 1 chậm tiến độ là tổng mức đầu tư bị đội vốn từ 17.000 tỷ đồng (năm 2007) lên đến 47.300 tỷ sau khi được tính toán lại vào năm 2009. Việc này khiến thủ tục pháp lý của dự án phải quay lại từ đầu, chậm giải ngân vốn, không có tiền thi công.

Tháng 11 vừa qua, UBND TP HCM đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến Metro Số 1 còn 43.600 tỷ. Đây sẽ là căn cứ để Bộ Kế hoạch - Đầu tư giải ngân vốn cho thành phố.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, quy mô 6 làn xe được thiết kế kiểu dây văng, nối quận 1 với Khu đô thị Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn. Công trình khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018 nhưng do vướng mặt bằng nên bị dời lại đến cuối năm 2020.

Ở phía bờ quận 2, do không vướng mặt bằng nên việc thi công thuận lợi. Chủ đầu tư đang làm đường dẫn, xây các nhịp cầu, đổ dầm bêtông.

Phía bờ quận 1, đến nay nhà thầu đã làm xong các hạng mục trụ cầu, hai nhánh rẽ xuống đường Tôn Đức Thắng vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng.

Sau khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là cây cầu thứ hai bắc qua sông Sài Gòn trong quy hoạch xây 5 cây cầu cùng một hầm chui nối trung tâm và các quận khác với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giải tỏa áp lực giao thông xung quanh khu vực, kết nối khu Đông với trung tâm thành phố. Công trình cũng sẽ là biểu tượng cổng chào từ trung tâm qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) là điểm giao của hai trục đường chính của khu Đông TP HCM. Trong đó, trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái, với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới hơn 20.000 lượt mỗi ngày, xung đột với hướng xe trục Bắc - Nam, khiến cho khu vực này thường xuyên bị kẹt xe.

Dự án khởi công tháng 6/2016, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một có mức đầu tư 838 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt và hầm chui trên đường Vành đai 2 đã hoàn thành.

Nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1 với hầm chui dài 405 m và cầu vượt dài 316 m hoàn thành 2018, mới góp phần giải quyết một phần kẹt xe ở đây.

Giai đoạn hai được triển khai từ năm 2018 đến 2020, bao gồm cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ, cầu Mỹ Thủy 3, cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 1.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại các hạng vẫn chưa được thi công.

Đường vành đai 2 là tuyến đường bộ đô thị cấp một khép kín theo vòng tròn ở TP HCM. Toàn tuyến dài 70 km, chạy qua các quận 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn tất năm 2022 - 2023. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo trục giao thông ở các cửa ngõ phía Tây và Đông thành phố, hạn chế xe vào trung tâm, góp phần giảm ùn tắc.

Hiện hơn 54 km đường Vành đai 2 đã hoàn thành. Đoạn mới nhất đi qua quận 2, 9 mang tên đường Võ Chí Công xong năm 2013, kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Hiện đường Vành đai 2 còn gần 14 km chưa hoàn thành với hơn 8 km ở khu phía Đông là quận 9, Thủ Đức và 5,3 km ở khu phía Tây là quận 8, Bình Chánh. Phần còn lại để khép kín tuyến đừng được chia thành bốn đoạn nhỏ tương ứng với 4 dự án có mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng.

Trong đó, một dự án đã được duyệt và đang triển khai thi công là đoạn 3 từ nút giao thông Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng dài 2,75 km với hình thức đầu tư BT. Dự án này khởi công cuối năm 2017 nhưng tiến độ thi công chậm do vướng mặt bằng. Theo nhà thầu, nếu được giao hết mặt bằng thì có thể cuối năm 2020 đoạn này mới thi công xong.

Nút giao thông An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn) gồm hầm chui và cầu vượt góp phần giải tỏa ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc TP HCM.

Công trình gồm cầu vượt dài 246 m đã xây dựng năm 2002. Đầu năm 2018, một nhánh hầm dài 445 m theo hướng đường Trương Chinh đi quốc lộ 22 đưa vào hoạt động.

Nhánh còn lại dài 385 m tiếp tục thi công, dự kiến hoàn thành trong năm. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên công trình bị ngưng thi công từ 12/2018 đến nay.

Nhánh này đã thi công 7/7 đốt hầm hở phía đường Trường Chinh và 4/5 đốt hầm kín. Hiện nay còn một đốt hầm kín và sáu đốt hầm hở phía quốc lộ 22 chưa hoàn thành.

Chủ đầu tư cho biết toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào tháng 7/2020. Nút giao thông An Sương sẽ làm thông thoáng trục đường huyết mạch quốc lộ 1 từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây.

Bến xe miền Đông mới (quận 9) khởi công tháng 4/2017, với diện tích hơn 16 ha (rộng gấp 3 lần Bến xe miền Đông hiện hữu) với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Bến xe dự kiến hoạt động cuối năm 2017 nhưng trễ hẹn.

Bến xe lớn nhất nước có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm, được kỳ vọng là đầu mối giao thông kết nối TP HCM với các tỉnh, thành khác, đồng thời giảm tải cho bến xe hiện hữu cách đó gần 20 km.

Bên trong nhà ga chính của Bến xe miền Đông mới với các hạng mục đã hoàn thiện 90%. Chủ đầu tư - Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết nếu giải quyết được các thủ tục pháp lý còn thiếu, bến xe dự kiến khánh thành vào dịp 30/4/2020.

Quỳnh Trần