Cuộc không kích chớp nhoáng của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria
Mỹ và đồng minh Anh, Pháp hôm nay tuyên bố đã thực hiện thành công chiến dịch trừng phạt Syria bằng cách phóng hơn 100 tên lửa vào các cơ sở được cho là sản xuất vũ khí hóa học ở thủ đô Damascus và tỉnh Homs.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng đòn tấn công này của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa trả lời được những câu hỏi dài hạn liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria, theo CNN.
Chiến lược dài hạn với Syria?
Cách đây hai tuần, ông Trump từng tuyên bố Mỹ "sẽ rút khỏi Syria rất sớm". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sau đó lại là người ra lệnh không kích quy mô lớn nhằm vào nhiều mục tiêu tại Syria, bao gồm cả thủ đô Damascus.
Giới phân tích chưa thể xác định liệu đòn không kích này của Trump có đặt mục tiêu buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi như thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, hay nó chỉ nhằm vạch ra ranh giới đỏ với những hoạt động bị cáo buộc là sử dụng vũ khí hóa học của Damascus.
Thông điệp chính quyền Mỹ thể hiện trong đòn không kích vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ông dường như chỉ muốn vạch ra "ranh giới đỏ" khi tuyên bố tấn công Syria chứ không phải thay đổi chế độ Damascus, trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại khẳng định một khi ông Assad vẫn nắm quyền, sẽ không có giải pháp chính trị nào cho Syria.
Kế hoạch bảo vệ người dân Syria khỏi nội chiến?
Ngoài việc tung đòn đáp trả cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học, Washington chưa đưa ra được một kế hoạch cụ thể để bảo vệ người dân Syria trước thảm họa chiến tranh kéo dài suốt 7 năm qua.
Gần nửa triệu người Syria đã thiệt mạng từ khi nội chiến nổ ra từ năm 2011, trong đó chỉ có một phần rất nhỏ bị chết vì vũ khí hóa học. Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump từng đề cập ý tưởng xây dựng "vùng an toàn" cho người dân Syria.
Tuy nhiên, kế hoạch này khó có thể trở thành hiện thực, do chúng đòi hỏi thành lập vùng cấm bay nhằm ngăn cản không quân Syria hoạt động. Điều này sẽ vấp phải khó khăn lớn khi không quân Nga triển khai nhiều tiêm kích và phi cơ hiện đại, hoạt động liên tục trên bầu trời Syria. Trong trường hợp xấu nhất, Moskva có thể tạo vùng cấm bay riêng, cản trở đáng kể hoạt động của Washington và các đồng minh.
Quan điểm về người tị nạn Syria?
Tổng thống Mỹ tỏ ý lo ngại về thương vong dân thường do vũ khí hóa học gây ra trong cuộc nội chiến, nhưng chính quyền Trump vẫn cấm nhập cảnh với toàn bộ người tị nạn Syria, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump sẽ thay đổi quy định này trong thời gian tới.
Quan hệ giữa Trump với nước Nga?
Bất chấp hàng loạt cảnh cáo từ Moskva, Tổng thống Trump vẫn ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, đồng minh thân cận của Nga.
"Một lần nữa, chúng ta đang bị đe doạ. Chúng tôi cảnh báo rằng các hành động đó sẽ không bị bỏ qua mà không có hậu quả. Xúc phạm Tổng thống Nga là điều không thể chấp nhận được. Mỹ, quốc gia sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất, không có tư cách đổ lỗi cho các nước khác", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov viết trên Twitter.
Ông Trump từng hạn chế bình phẩm, chê bai người đồng cấp Putin. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ lần này lại đưa ra thông điệp rất nặng nề với phía Nga, tuyên bố "quốc gia nào lại muốn liên quan tới kẻ giết người vô tội hàng loạt", ám chỉ mối quan hệ giữa Moskva và Damascus.
Quyền ra lệnh tấn công Syria?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Tổng thống Trump được pháp luật cho phép ra lệnh tấn công Syria mà không cần quốc hội thông qua. Quyền này dựa trên Điều 2 của Hiến pháp Mỹ, quy định Tổng thống Mỹ là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ.
Ông Trump tuyên bố tấn công Syria
Theo ông Steve Vladeck, giáo sư về luật an ninh quốc gia, Hiến pháp Mỹ không nói rõ khi nào tổng thống cần quốc hội thông qua việc sử dụng vũ lực. Hiến pháp phân chia quyền liên quan đến chiến tranh của quốc hội và tổng thống, để ngỏ khả năng chính xác khi nào cần có sự thông qua quốc hội đối với việc sử dụng lực lượng quân sự.
Điều 1 của Hiến pháp Mỹ quy định quyền của quốc hội về tuyên chiến, thiết lập và ủng hộ các đội quân, cung cấp và duy trì hải quân, đưa ra các quy tắc để chỉ đạo quân đội và cung cấp tài chính cho tất cả các hoạt động của quân đội. Trong khi đó, Điều 2 của Hiến pháp quy định tổng thống Mỹ có quyền hành pháp, trở thành tổng tư lệnh của quân đội, quyền mà hầu hết tất cả các tổng thống đều diễn giải theo cách được sử dụng quân đội mà không cần quốc hội cho phép.
Một số chuyên gia luật và nghị sĩ Mỹ cho rằng việc tấn công mục tiêu của Syria, một quốc gia có chủ quyền được công nhận, khác xa với các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây là điều đáng lẽ cần được sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ.
Chuyển hướng dư luận?
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng ra lệnh không kích trại huấn luyện của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Afghanistan vào tháng 8/1998, nhằm đáp trả vụ đánh bom nhằm vào hai đại sứ quán Mỹ ở châu Phi. Cùng thời điểm đó, ông Clinton đang vướng vào bê bối tình ái với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky, khiến nhiều người coi vụ tấn công là phương án đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề cá nhân của ông Clinton.
Tổng thống Trump vẫn đang phải đối mặt với cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cũng như bê bối với một sao khiêu dâm cách đây nhiều năm. Điều này đặt ra nghi vấn về mục đích của đòn không kích nhằm vào Syria, tương tự cách ông Clinton từng sử dụng.
Tử Quỳnh