Thứ ba, 26/11/2024
Thứ ba, 10/7/2018, 12:00 (GMT+7)

6 cách thư giãn giảm đau hội chứng ống cổ tay

Đặt cánh tay song song với bàn phím, tập các động tác căng cơ cổ tay, ngồi đúng tư thế... để giảm đau và tê tay.

Khi bạn bị tê và ngứa ran ở bàn tay, cổ tay vào ban đêm, đó có thể là triệu chứng của hội chứng ống cổ tay (CTS).  Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn nam giới, phần lớn ở độ tuổi trung niên. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Nghỉ giải lao thường xuyên: Khi bạn làm những công việc đòi hỏi chuyển động tay và cổ tay liên tục, có thể làm tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Bạn cần để bàn tay được nghỉ ngơi thường xuyên khoảng 2 - 3 giờ một lần và tập thể dục một chút.

Giữ cổ tay thẳng khi làm việc: Điều chỉnh ghế và để cánh tay song song với bàn phím. Lưu ý, tránh gập hay làm các hoạt động uốn cong cổ tay. Cố giữ tay thẳng và cổ tay ở một vị trí thoải mái. Tư thế cổ tay đúng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hội chứng ống cổ tay. 

Đeo nẹp tay: Đeo nẹp giúp giữ cổ tay ở vị trí song song với bàn phím. Dụng cụ này rất cần thiết nếu bạn làm công việc cần đánh máy nhiều. Bạn có thể đeo nẹp trong khi ngủ để kiểm soát cổ tay, giúp cải thiện đáng kể tình trạng tê và đau tay.

Tập bài tập cổ tay: Các bài tập bao gồm duỗi, uốn cong cổ tay, cố gắng nâng cao tay và cổ tay khi tập luyện. Những bài tập này giúp căng cơ xung quanh cổ tay, đảm bảo các dây chằng ở ống cổ tay luôn ở trong tình trạng tốt nhất. 

Ngồi đúng tư thế: Ngồi sai tư thế trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến lưng mà còn gây áp lực lên dây thần kinh vai, xuống đến cổ tay và bàn tay. Tư thế đúng là ngồi thẳng lưng và đặt hai chân phẳng lên sàn nhà.

Chườm đá vào cổ tay: Đá có tác dụng giảm đau cổ tay và bàn tay. Bạn chườm hoặc ngâm cổ tay trong bồn đá khoảng 5-10 phút. Phương pháp này không ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay nhưng sẽ làm giảm bớt nỗi đau mà nó gây ra.

Theo Brightside