Theo ThS.BS Mai Mạnh Tam, Phó trưởng khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, hiện thời tiết giao mùa khiến tác nhân gây bệnh Covid-19, cúm, viêm phổi phế cầu tăng mạnh. Mặt khác, người bệnh cũng có nguy cơ nhiễm đồng thời các bệnh này. Tình trạng đồng nhiễm nguy hiểm và dễ biến chứng ở nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, cao tuổi, thai phụ...
Để tránh bị virus, vi khuẩn cơ hội tấn công trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng lên, các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyến cáo người dân 6 phương pháp bảo vệ phổi dưới đây:
Tiêm vaccine
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết Việt Nam đang triển khai một số vaccine phòng phế cầu, ho gà – bạch hầu – uốn ván có tác dụng bảo vệ phổi, loại trừ những triệu chứng dễ nhầm lẫn, có khả năng bảo vệ chéo với Covid-19.
Nghiên cứu của Kaiser Permanente tại California, Mỹ, cho thấy, người lớn tuổi được tiêm vaccine phế cầu có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. Người trên 65 tuổi đã tiêm vaccine phế cầu (Prevenar 13) giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19.
Vaccine cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong và giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác. Vaccine có thành phần phòng bệnh ho gà được chứng minh có khả năng tạo "miễn dịch chéo" và phòng biến chứng của Covid-19.
Kiểm soát bệnh mạn tính
Theo bác sĩ Tam, người mắc các bệnh lý mạn tính như: tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... thường giảm đề kháng trước Covid-19 và các bệnh đường hô hấp. Do đó, họ dễ bị đồng nhiễm Covid-19 và các vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp.
Việc kiểm soát các bệnh mạn tính tốt sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm Covid-19. Người bệnh nên uống thuốc đúng đơn, đúng lịch, tái khám đầy đủ, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, theo dõi các dấu hiệu bất thường để nhập viện kịp thời.
Hít thở sâu
Các bài tập thở sâu có thể cải thiện hiệu suất của phổi, giúp những người mắc bệnh hô hấp thở tốt hơn. Bệnh nhân có thể thực tập phương pháp thở bằng môi, gồm hít vào bằng mũi và thở từ từ qua môi như cách thổi tắt một ngọn nến. Phương pháp khác là tập thở bằng bụng, hít vào bằng mũi sau đó siết chặt cơ bụng, thở ra qua môi đang mím thành khe hẹp. Bài tập thở nên thực hiện trong vòng 5-15 phút hàng ngày hoặc trước khi ngủ và sau khi thức dậy, để giúp phổi khỏe mạnh, thư giãn tâm trí.
Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên
Các tác nhân gây bệnh đường hô hấp như virus cúm, phế cầu khuẩn, Covid, vi khuẩn Hib... thường lây truyền qua đường tiếp xúc. Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang đến nơi công cộng sẽ hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh.
Tăng vận động
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng trao đổi khí, giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số bài tập như chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội giúp tăng cường sức khỏe của hệ hô hấp và tim mạch rất tốt.
Theo các nghiên cứu, chạy bộ dù ít hay nhiều đều có thể giảm nguy cơ tử vong sớm. Chạy lâu kết hợp với kỹ thuật hít thở đều sẽ giúp phổi khỏe hơn. Bệnh nhân nên tập vừa với sức mình, cố gắng quá mức không tốt cho sức khỏe.
Nếu cảm thấy mệt lúc đang tập, mọi người có thể tạm nghỉ ngắn rồi tiếp tục vận động. Nên đặt ra mục tiêu cho mỗi lần tập, lần sau cao hơn lần trước, ví dụ hôm nay đi bộ được 30 phút thì sẽ cố gắng đạt 35 phút ở những lần sau và cứ thế tăng dần. Mỗi tuần, mọi người tập tối thiểu 3 buổi.
Dinh dưỡng khoa học
Mọi người nên đảm bảo uống đủ nước và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh để cải thiện sức khỏe tổng thể và đường hô hấp. Uống đủ nước cũng giúp loại bỏ chất nhờn bám trong phổi và đường thở, giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ hô hấp tốt hơn.
Người bệnh viêm phổi cần tăng cường các thực phẩm giàu protein như: thịt ức gà, đậu, thịt trắng, cá, nhằm giúp cơ thể phục hồi và sửa chữa những mô, tế bào bị tổn thương. Bên cạnh đó, bữa ăn nên có nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.
Mọi người cũng cân nhắc bổ sung vitamin C thông qua các thực phẩm như: cam, chanh, bưởi; thêm carotene có trong cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ; axit béo omega có trong cá hồi, cá thu, cá ngừ, dầu oliu; họ rau cải xanh gồm súp lơ, bắp cải, rau diếp xoăn... Bữa ăn đủ dinh dưỡng giúp giảm viêm và tăng đề kháng cho người bệnh phổi.
Bên cạnh đó, mọi người cần hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp, nhiều dầu mỡ, ngừng sử dụng các chất kích thích như: thuốc lá, rượu bia...
Chi Lê