Theo ThS.BSCKII Phan Duy Kiên, khoa Phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch là hệ thống van tĩnh mạch bị giảm chức năng. Tình trạng này làm rối loạn lưu thông máu, khiến máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch, khó trở về tim, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi không được điều trị đúng, điển hình 6 biến chứng dưới đây:
Sưng và phù chân
Bệnh giãn tĩnh mạch chân ở mức độ nhẹ chưa gây chú ý, có thể bắt đầu với các cảm giác như nóng ran, tê chân, đau nhức. Người bệnh còn có thể gặp cảm giác tê bì, cảm giác châm chích và có gân xanh gây mất thẩm mỹ trên da, khi đứng lâu có cảm giác rất mỏi, ảnh hưởng chất lượng công việc.
Khi không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây sưng và phù chân. Lý do là máu trào ngược trong hệ thống tĩnh mạch chi dưới, ứ đọng ở phần cẳng bàn chân. Hiện tượng này thấy rõ vào buổi chiều, sau khi đứng hoặc ngồi lâu, sau đó cải thiện vào ban đêm khi được kê chân lên cao.
Tình trạng này có thể giảm thiểu bằng cách sử dụng vớ tĩnh mạch áp lực. Loại vớ này giống hệ thống nén từ bên ngoài vào phần cơ cẳng chân, giúp lưu thông máu tốt hơn, tránh hiện tượng ứ đọng máu tĩnh mạch.
Sạm da và tăng sắc tố da
Nếu không được điều trị, suy giãn tĩnh mạch thời gian dài có thể gây sạm da, khu vực bị sạm thường là vùng trên mắt cá chân. Bác sĩ Kiên giải thích bệnh suy giãn tĩnh mạch khiến máu bị ứ đọng ở vùng chân, gây biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh, van tĩnh mạch bị suy yếu.
Lúc này, máu có thể trào ngược và tích tụ tại van, gọi là hiện tượng máu trào ngược. Vùng da sau đó bị mềm và ngứa, dẫn đến mô dày lên và để lại sẹo, hình thành vết loét. Tĩnh mạch có thể bị tắc, tạo thành huyết khối, gây viêm và bầm trên da.
Các mô mềm và da sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Nhưng nếu được điều trị theo phác đồ tại đúng vị trí tĩnh mạch suy yếu, tình trạng viêm sẽ được cải thiện, các mô trở nên mềm hơn, vết ố trên da cũng sẽ mờ dần.
Viêm da
Dòng máu trào ngược, ứ đọng tại các van cũng khiến cho vùng chân bị viêm da, với các triệu chứng như ngứa, mẩn đỏ, sưng tấy và xuất hiện các mảng khô đổi màu... là triệu chứng điển hình của suy giãn tĩnh mạch. Tình trạng này còn gọi là bệnh chàm tĩnh mạch, có thể phát hiện xung quanh khu vực mắt cá chân, hoặc xuất hiện trên các tĩnh mạch bị giãn.
Chảy máu tĩnh mạch
Các búi tĩnh mạch bị suy giãn nằm rất gần bề mặt da, do đó dễ bị rách, chảy máu khi da bị tổn thương dù nhỏ nhất. Tình trạng chảy máu tĩnh mạch có thể dẫn đến mất máu cấp, nguy hiểm tính mạng khi không được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, bệnh nhân giãn tĩnh mạch không được điều trị đúng cách có thể khiến vùng da nằm trên tĩnh mạch bị đổi màu, trở nên đỏ hoặc nâu. Hiện tượng đổi màu da này gọi là tăng sắc tố, bắt đầu ở gần mắt cá chân và lan dần ra bắp chân.
Vết loét tĩnh mạch
Loét tĩnh mạch chi dưới là vết thương khó lành, là hậu quả của tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới trong thời gian dài. Đây cũng là biến chứng nặng nhất của bệnh. Một nghiên cứu ở châu Âu đã chỉ ra nếu bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch ở độ 2 nếu không điều trị đúng, có tỷ lệ 22% nguy cơ mắc loét tĩnh mạch chi dưới trong vòng 6 năm tiếp theo.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là biến chứng nguy hiểm trong suy giãn tĩnh mạch. Biến chứng này xuất hiện khi có cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch chậu, đùi, khoeo ở chân, gây sưng, căng, đau đùi và bắp chân. Nếu cục máu đông phát triển, lan lên tĩnh mạch chủ dưới, động mạch phổi gây ra thuyên tắc phổi khiến bệnh nhân nhập viện.
Nếu được phát hiện sớm, cục máu đông này có thể được điều trị bằng thuốc kháng đông (ví dụ như rivaroxaban) hoặc can thiệp đặt ống thông (catheter) bơm thuốc tiêu sợi huyết. Hiện biến chứng này có thể phát hiện dễ dàng qua siêu âm Doppler đánh giá huyết động hệ tĩnh mạch chi dưới.
Lưu ý khi điều trị giãn tĩnh mạch
Bệnh nhân cần đến các tổ chức y tế chuyên sâu được cấp phép, có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu, chuyên gia có kinh nghiệm để thăm khám, điều trị. Việc này giúp đảm bảo mang lại kết quả điều trị lâu dài, hạn chế tái phát hoặc bệnh trở nặng theo thời gian.
Với người bị giãn tĩnh mạch dưới da mức độ 1 ảnh hưởng thẩm mỹ, bệnh nhân có thể được tiêm xơ hoặc laser xung dài (laser bề mặt), đây là phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả. Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch giãn búi to độ 2, cần can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch, ví dụ như laser bước sóng dài 1470nm (EVLA) được khuyến cáo mức độ cao nhất, theo Hiệp hội Tĩnh mạch Thế giới (khuyến cáo mức I, bằng chứng loại A theo y học thực chứng).
Văn Hà
ThS.BS Phan Duy Kiên tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM và hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú và chuyên khoa cấp 2 chuyên ngành ngoại lồng ngực - tim mạch. Bác sĩ có nhiều năm công tác tại khoa phẫu thuật mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Về lĩnh vực mạch máu, bác sĩ Kiên đã tham gia điều trị và phẫu thuật nhiều trường hợp bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, phình động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, hẹp động mạch cảnh. Bác sĩ được cấp chứng nhận điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng các phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch ít xâm lấn như Laser nội mạch EVLA/RFA, can thiệp mạch máu ngoại biên. Mỗi năm, bác sĩ trực tiếp điều trị rất nhiều trường hợp suy giãn tĩnh mạch từ cấp độ C0 đến C6 và các bệnh lý mạch máu khác.