Nội dung này nằm trong kế hoạch phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, công bố sáng 23/2. Mục tiêu chương trình là ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế rác thải, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Khởi công trong quý 1, dự kiến hoàn thành trong 3 tháng, dự án hoàn thiện bãi chôn lấp rác số 3 ở Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) quy mô 20 ha, công suất xử lý 2.000 tấn mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp của Hàn Quốc. Đây là bãi chôn lấp dự phòng của TP HCM nếu các bãi chôn lấp hiện hữu quá tải hay ngưng hoạt động. Dự án có vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Ở bãi chôn lấp số 3 cũng xây dựng nhà máy đốt rác phát điện quy mô 1.000 tấn mỗi ngày, vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng theo công nghệ Martin của Đức, xử lý rác sinh hoạt của thành phố. Lượng điện sản xuất sẽ hòa điện lưới quốc gia, cung cấp cho người dân.
Dự án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại từ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn về xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023. Dự án mở rộng quy mô xử lý lên 1.000 tấn rác thải nguy hại, y tế, công nghiệp theo công nghệ đốt thân thiện môi trường... Công trình được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, đang thực hiện thủ tục giao đất với tổng mức đầu tư 400-600 tỷ đồng. Đối với rác xà bần, dự án sử dụng công nghệ Nhật Bản, tái chế vật liệu xây dựng.
Giai đoạn 2 dự án Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, vốn đầu tư khoang 2.000 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 46 ha với hơn 46.000 ngôi mộ. Mục tiêu dự án tạo khu công viên nghĩa trang đáp ứng nhu cầu chôn cất người quá cố; phục vụ nhu cầu cải táng từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa và các nghĩa trang nhỏ khác nằm rải rác, xen cài trong khu dân cư ở thành phố.
Nhằm thay thế các xe chuyên dùng vận chuyển rác, máy hút bùn, thiết bị thông cống... ngành môi trường thành phố dự kiến mua 50-100 xe, tổng kinh phí từ 100 tỷ đến 200 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, hơn 50% tổng vốn các dự án đã được chuẩn bị từ nguồn sẵn có. Phần còn lại sẽ tiếp tục huy động các nguồn trong nước lẫn tài trợ nước ngoài, bảo đảm tiến độ các dự án mà lãnh đạo thành phố giao.
Hiện, mỗi ngày TP HCM thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm tăng 10%. Đầu năm trước, UBND thành phố thông qua điều chỉnh phân loại rác tại nguồn từ ba nhóm (hữu cơ, vô cơ, tái chế) thành hai nhóm (tái chế, rác thải còn lại). Việc thay đổi nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà thành phố đang thực hiện, giảm tỷ lệ chôn lấp.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ chất thải công nghiệp, y tế ở thành phố được thu gom và xử lý; 90% chất thải xây dựng được xử lý, trong đó 60% được tái chế. Đến năm 2023, 60% hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, tỷ lệ này tăng dần vào các năm sau.
Hà An