Chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 8/1, nhấn mạnh tinh thần "hạ tầng số phải đi trước". Đồng thời, Ủy ban yêu cầu huy động nguồn lực, hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, xóa vùng lõm sóng di động (những vị trí có chất lượng sóng không ổn định) trên toàn quốc. Tất cả thôn, bản sẽ được cung cấp cáp quang.
Cuối tháng 8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu kế hoạch thương mại hóa 5G. Trong đó, nhiều hạng mục đã hoàn thành như quy hoạch băng tần 5G và bộ tiêu chí thực hiện trong tháng 9, tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số 5G diễn ra tháng 11 năm ngoái. Việc phát triển thiết bị và ứng dụng 5G thương mại hóa sẽ thực hiện trong năm 2023-2024.
Bộ cho biết nguyên tắc triển khai thương mại hóa 5G là phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, từ đó là nền tảng để phát triển ứng dụng, dịch vụ 5G, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số. Bộ cũng ưu tiên sử dụng thiết bị do Việt Nam sản xuất, giảm phụ thuộc thiết bị nước ngoài, đồng thời chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp nhằm triển khai tiết kiệm, hiệu quả.
Về mặt kỹ thuật, một số nhà mạng đã thử nghiệm triển khai 5G từ cuối 2020. Trong đó, có nhà mạng đã thử nghiệm 5G tại hầu hết tỉnh thành trên cả nước, trên cơ sở người dùng vẫn sử dụng gói cước 4G. Vào tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng băng tần 2.300 MHz phục vụ cho 5G. Tuy nhiên, cuộc đấu giá không thành, do không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và tiền đặt trước.
Hiện một số nhà mạng cũng đã triển khai mạng 5G riêng (Private 5G) cho các tổ chức, doanh nghiệp. 5G với đặc điểm tốc độ cao, độ trễ thấp, được đánh giá sẽ tạo ưu thế cho tăng cường năng lực sản xuất, có thể ứng dụng trong IoT, nhà máy thông minh.