Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 26/10 thông báo đang xác minh số liệu về con tin là công dân nước này do Israel công bố, đồng thời cử một nhóm nhà đàm phán đến khu vực để hỗ trợ quá trình giải cứu các con tin.
Một ngày trước đó, chính phủ Israel thông báo 138 trên tổng số 220 con tin bị lực lượng Hamas giam ở Gaza là người mang hộ chiếu nước ngoài, trong đó có 54 công dân Thái Lan, 15 người Argentina, 12 người Đức, 12 người Mỹ, 6 người Pháp và 6 người Nga.
Tel Aviv cũng cho hay 328 người từ 40 quốc gia được xác nhận thiệt mạng hoặc mất tích trong chiến dịch tấn công của Hamas vào lãnh thổ nước này hôm 7/10. Thái Lan cũng là nước có số công dân thiệt mạng và mất tích lớn nhất, với 33 người chết, 21 người chưa rõ tung tích.
Với khoảng 30.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Israel, Thái Lan là nguồn cung lao động lớn nhất cho nước này trong nhiều thập kỷ qua. Hầu hết các lao động này đến từ vùng quê nghèo, sang Israel với hy vọng đổi đời.
Hơn 8.000 công dân Thái Lan đã yêu cầu được hồi hương kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, hơn một nửa trong số đó đã được đưa về nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thừa nhận nước này gặp nhiều thách thức trong nỗ lực sơ tán công dân, trong đó có việc nhiều chủ lao động Israel hứa hẹn tăng lương để giữ chân nhân viên người Thái. Ông Srettha kêu gọi công dân nước này không bám trụ vì vấn đề thu nhập và cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ họ xóa nợ khi hồi hương.
Quá trình giải cứu con tin cũng trở nên phức tạp do phía Israel không rõ vị trí nơi họ bị giam ở Gaza. Giới chức Israel cho rằng nhiều con tin có thể bị nhốt trong các đường hầm chằng chịt ở vùng lãnh thổ này.
Quan chức Hamas Abu Hamid ngày 27/10 tuyên bố lực lượng này chỉ có thể thả con tin khi đạt được lệnh ngừng bắn, cho biết nhóm cần "môi trường hòa bình" để xác định vị trí của toàn bộ con tin.
"Các nhóm bắt hàng chục người, hầu hết là dân thường và chúng tôi cần thời gian để tìm thấy họ ở Dải Gaza rồi thả họ", Hamid giải thích.
Hamas cho đến nay đã trả tự do cho 4 con tin, gồm hai công dân Mỹ và hai người Israel. Giới phân tích cho rằng Hamas dường như muốn thể hiện thiện chí đàm phán, cũng như trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ của Israel thông qua động thái thả con tin kiểu "nhỏ giọt".
Đức Trung (Theo Reuters, Bangkok Post)