5 năm trước, Manee được nhận vào làm nhân viên vệ sinh trong tòa nhà hành chính miền nam Israel, gần Dải Gaza. Anh coi đây là cơ hội lớn trong đời, bởi tìm được một công việc ổn định tại vùng nông thôn này của Israel không dễ dàng.
Sáng 7/10, Manee gọi điện về cho bố ở ngôi làng tại Nong Bua Lamphu, đông bắc Thái Lan. Hai bố con trò chuyện và hẹn nhau sẽ liên lạc lại vào tối hôm đó.
Vài giờ sau, ông Chumporn, bố của Manee, đọc được tin Hamas tấn công miền nam Israel và nhìn thấy con trai bị trói tay sau lưng, ngồi khoanh chân cùng các con tin nam giới khác trong các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.
"Tôi không thể tin vào mắt mình, ban đầu còn nghĩ đó là một trò đùa", ông Chumporn nói. "Thái Lan không liên quan đến bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Israel và Palestine. Người dân chúng tôi ở đó làm việc để có thể có cuộc sống tốt hơn. Tôi cầu xin hãy thả con trai tôi về nhà".
Trong chiến dịch tấn công với quy mô chưa từng có, các tay súng Hamas đã giết hại và bắt cóc hàng trăm người nước ngoài, trong đó có nhiều lao động nhập cư đến từ châu Á. Hầu hết họ xuất thân từ vùng nông thôn nghèo, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, chăm sóc sức khỏe tại Israel, với ước mơ đổi đời.
Ít nhất 10 lao động người Nepal, hai tu nghiệp sinh Philippines đã thiệt mạng khi Hamas tấn công các khu định cư phía nam. Thái Lan, nước cung cấp nguồn lao động nhập cư lớn nhất Israel trong nhiều thập kỷ, ghi nhận tới 21 công dân thiệt mạng, ít nhất 14 người mất tích.
"30.000 lao động Thái Lan có mặt tại nhiều trang trại, vùng sa mạc xa xôi trên khắp Israel, nhiều người ở gần Dải Gaza, nên rất dễ bị tổn thương khi các chiến binh Hamas phát động đột kích", Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), trụ sở Mỹ, nói.
Một trong số đó là Katchakorn Pudtason, lao động Thái Lan làm việc ở trang trại gần Dải Gaza. Thời điểm Hamas tập kích rocket, chủ trang trại đã đưa các lao động vào trú ẩn trong một boongke.
Cả nhóm sau đó lên ôtô để quay lại nơi làm việc, nhưng tiếng súng đột nhiên rộ lên. Đó là lúc Katchakorn cảm thấy có gì đó "đập vào đầu gối".
"Tôi nghĩ đó là một viên đá, nhưng nó xuyên qua đầu gối tôi. Tôi lập tức hét lớn, cảnh báo tài xế lái xe bỏ chạy", anh nhớ lại. Katchakorn là một trong 4 người bị thương trên xe hôm đó. Khi về nước, anh là một trong hai người phải sử dụng xe lăn.
Chatree Chasri, lao động Thái Lan 38 tuổi, may mắn thoát chết khi đi vệ sinh tại trang trại ở thị trấn Mivahim, cách Gaza chưa đầy 10 km. "Đạn xuyên qua tường nhà vệ sinh, trúng vào tôi. Hai tay súng Hamas sau đó bước vào khu nhà ở công nhân và xả đạn", anh nhớ lại.
Từ những năm 1990, lao động nhập cư châu Á bắt đầu thay thế người Palestine làm việc tại các công trường xây dựng hay các khu nông nghiệp ở Israel, khi quan hệ giữa Tel Aviv và Dải Gaza trở nên căng thẳng.
Đây dường như là lý do các tay súng Hamas "không nương tay" với lao động nhập cư khi đột kích miền nam Israel, Assia Ladizhinskaya, phát ngôn viên Kav LaOved, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền lao động trong khu vực, nhận định.
HRW kêu gọi trả tự do "lập tức và vô điều kiện" cho các con tin Thái Lan, Nepal, Philippines, những người ở Israel "chỉ đơn giản là để kiếm tiền nuôi gia đình". Theo Washington Post, một lao động tại Israel có thể kiếm 1.300 USD mỗi tháng, gấp 5 lần mức lương tối thiểu ở Thái Lan.
Theo giới chức Thái Lan, khoảng 5.000 công dân nước này đang làm việc tại các điểm nóng chiến sự, đứng trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy giao tranh khi Israel đang chuẩn bị tấn công quy mô lớn vào Dải Gaza nhằm "tiêu diệt Hamas".
Thái Lan đang nỗ lực hồi hương gần 6.000 người khỏi các điểm nóng chiến sự. "Chúng tôi cần di chuyển càng nhiều người càng tốt, trong đó có phương án dùng máy bay quân sự sơ tán công dân đến nước thứ ba", Bộ trưởng Quốc phòng Suthin Klangsaeng nói.
Chuyến bay đầu tiên chở 41 công dân Thái Lan đã hạ cánh xuống Bangkok ngày 12/10. Một ngày sau, Thái Lan tiếp tục hồi hương 19 công dân từ Israel, trong đó có Chatree Chasri, người bị bắn vào hông khi Hamas đột kích thị trấn Mivtahim.
Anh chia tay vợ và hai con ở Nakhon Phanom năm 2019 để đến Israel làm việc trong nông trại trồng cà chua, súp lơ. Suốt 4 năm, Chatree đã quen với tiếng pháo kích và chuyện lên xuống hầm trú ẩn.
"Cuộc sống vẫn ổn cho đến ngày 7/10. Giờ tôi muốn về nhà và không bao giờ quay lại Israel nữa", anh nói.
Đức Trung (Theo CNN, AP, Washington Post)