Bằng khả năng ăn nói, Alton Coleman có thể chiếm được lòng tin của nạn nhân trước khi gây án. Trong chưa đầy hai tháng trong năm 1984, hắn cùng bạn gái Debra Brown hoành hành khắp vùng Trung Tây nước Mỹ, gây ra 8 vụ án mạng, 7 vụ hiếp dâm, ba vụ bắt cóc, và 14 vụ cướp có vũ trang.
Sinh tháng 11/1955 tại thành phố Waukegan, bang Illinois, Coleman từ sớm đã đặt chân vào con đường tội phạm sau khi bỏ học giữa cấp 2. Bắt đầu từ những tội phạm nhỏ, hành vi của hắn ngày càng leo thang về mức độ nghiêm trọng.
Trước khi trở thành sát nhân hàng loạt, Coleman từng nhiều lần đối mặt với các cáo buộc cưỡng hiếp. Tuy vậy, hắn thường dùng tài ăn nói để thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng nhà chức trách đã bắt nhầm người.
"Alton Coleman rất giỏi đánh lừa bổi thẩm đoàn", Marc Hansen, cảnh sát thành phố Waukegan nhận định. "Trước tòa, hắn có thể nói năng rất thuyết phục và gây ấn tượng; tỏ ra là người tử tế".
Nhưng khi vỏ bọc người tốt không hiệu nghiệm, Coleman chuyển sang thủ đoạn uy hiếp nhân chứng. Năm 1983, khi 28 tuổi, hắn bị cáo buộc cưỡng hiếp con gái 8 tuổi của người quen. Nhưng chỉ ba tuần sau, mẹ nạn nhân xin rút đơn tố cáo.
"Đó chỉ là sự hiểu nhầm. Rất nhiều gia đình từng trải qua chuyện này", mẹ bé gái 8 tuổi nói.
Nghe những lời ấy, thẩm phán phải thốt lên: "Tôi nghĩ rằng người phụ nữ đứng ở đây hôm nay đang rất sợ hãi". Vị thẩm phán cho rằng lời khai của người phụ nữ là "hoàn toàn bất hợp lý". Nhưng không có nạn nhân và nhân chứng, ông buộc phải hủy cáo trạng với Coleman.
Tới đầu năm 1984, Coleman một lần nữa bị khởi tố vì cưỡng hiếp và giết hại bé gái ở ngoại ô thành phố Chicago. Thay vì thử vận may trước tòa, hắn bỏ trốn khỏi bang Illinois với bạn gái, Debra Brown, 21 tuổi, người không có tiền án tiền sự. Đây cũng chính là khởi đầu 53 ngày hoành hành của cặp đôi sát thủ.
Ngày 29/5/1984, nạn nhân đầu tiên bị Coleman và Brown bắt cóc là Vernita Wheat, 9 tuổi, tại thành phố Kenosha, bang Wisconsin. Ba tuần sau, thi thể em được phát hiện trong tòa nhà bỏ hoang tại bang Illinois.
Lúc này, Coleman và Brown đã kịp trốn đến thành phố Gary, bang Indiana. Ngày 18/6/1984, chúng bắt cóc hai bé gái 7 và 9 tuổi. Cả hai đều bị xâm hại và đánh, nhưng chỉ bé gái 9 tuổi có thể sống sót.
Cùng ngày thi thể bé gái 7 tuổi Tamika Turks được phát hiện, một cô gái khác, Donna Williams, 25 tuổi, mất tích khỏi thành phố Gary. Ngày 11/ 7/1984, Williams được tìm thấy trong tòa nhà bỏ hoang tại thành phố Detroit, bang Michigan, cách nhà hơn 250 dặm. Nguyên nhân tử vong do bị siết cổ.
Tại thành phố Detroit, Coleman và Brown nhiều lần trộm ôtô, dường như là để cắt đuôi cảnh sát. Lúc này, chuỗi ngày gây án của Coleman đã nhận được sự chú ý từ FBI. Chuyên viên FBI bắt đầu lập hồ sơ tội phạm với Coleman để trợ giúp cảnh sát địa phương.
Nhưng trước khi thi thể Donna Williams được tìm thấy, Coleman và Brown đã kịp gây án một lần nữa. Ngày 7/7/1984, Virgnia Temple, một phụ nữ ở bang Ohio, bị sát hại trong nhà riêng. Thi thể con gái 10 tuổi của Temple nằm gần đó.
Khi vẫn còn tại bang Ohio, Coleman và Brown sát hại một bé gái 15 tuổi vào ngày 12/7/1984. Một ngày sau, chúng tiếp tục gây án với một phụ nữ để cướp ôtô. Cặp đôi sát thủ chạy tới bang Kentucky và bắt cóc hai người đàn ông nhưng không xuống tay.
Nạn nhân cuối cùng của Coleman và Brown mà nhà chức trách ghi nhận là một cụ ông 77 tuổi ở bang Indiana. Chúng đoạt mạng sống của ông lão chỉ để cướp phương tiện đi lại.
Mức độ nguy hiểm của Alton Coleman lớn đến mức FBI phải tạo ra vị trí thứ 11 cho Coleman trong danh sách 10 tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất. Coleman là kẻ thứ 10 được chú ý đặc biệt như vậy, kể từ khi FBI bắt đầu lập danh tội phạm truy nã vào năm 1950.
Cuối tháng 7/1984, Coleman và Brown quay lại khu vực thành phố Waukegan, bang Illinois, đúng như nhà chức trách dự liệu. Sau chuỗi ngày gây án, cặp đôi sát thủ đã mất hết bạn bè tại quê nhà. Vì thế, khi bắt gặp Coleman đang đi bộ, một người quen lập tức báo cảnh sát vào ngày 20/7/1984.
Sau khi phát hiện cặp đôi đang ngồi tại công viên, cảnh sát thận trọng vây ráp vì có vũ khí vì cho răng có vũ khí và sắp bị dồn đến chân tường. Tuy nhiên, cặp đôi sát thủ không phản kháng khi bị bắt giữ, dù Coleman giấu con dao dài trong ủng, Brown có khẩu súng lục đã lên đạn.
"Các ông bắt nhầm người rồi", Coleman bình thản nói. Hắn và bạn gái cùng cung cấp tên giả nhưng mau chóng bị xác định danh tính bằng vân tay.
Dấu vân tay cũng chính là chứng cứ mà nhà chức trách sử dụng để buộc tội Coleman và Brown. Vân tay của chúng xuất hiện ở khắp hiện trường các vụ án mạng trên phạm vi 6 bang: Wisconsin, Illinois, Indiana, Ohio, Michigan và Kentucky.
Với chứng cứ không thể chối cãi, Alton Coleman và Debra Brown lần lượt bị tuyên án tử hình. Nhưng trong khi Coleman bị thi hành án tử hình tiêm thuốc độc tại bang Ohio vào năm 2002, bản án của Brown được ân giảm xuống tù chung thân không ân xá vào năm 1991. Nguyên nhân đằng sau quyết định này là do Brown có chỉ số IQ thấp, dễ bị Coleman sai bảo.
Brown còn bị tuyên tử hình tại bang Indiana. Tuy nhiên, bản án này cũng bị ân giảm thành 140 năm tù vào năm 2018, "căn cứ chứng cứ xuyên suốt vụ án cho thấy Brown nhiều khả năng bị khuyết tật trí tuệ".
Quyết định ân giảm án tử cho Brown đặc biệt gây tranh cãi. Gia đình nạn nhân cho rằng Brown đồng hành cùng Coleman gây án nên cũng phải chịu trách nhiệm hình sự tương đương.
Brown ban đầu không tỏ ra hối hận. Trong một phiên tòa, Brown từng gửi cho thẩm phán tờ giấy với dòng chữ "tôi giết cô ta và tôi không quan tâm". Tới năm 2005, Brown cuối cùng cũng xin lỗi gia đình nạn nhân.
Động cơ gây án của Coleman và Brown chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Vì hầu hết nạn nhân của hai kẻ này là người Mỹ gốc Phi, một số người tin rằng chúng có "thâm thù" đối với nhóm người này. Theo John Douglas, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm của FBI, Coleman từng nói rằng "bị ép phải sát hại những người da đen khác".
Một số người khác cho rằng cách chọn mục tiêu của cặp đôi này thuần túy là bước đi có tính toán. Vì Coleman và Brown cũng là người Mỹ gốc Phi, chúng có thể cảm thấy dễ trà trộn vào cộng đồng người da đen hơn. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, câu trả lời thật sự cũng đã đi xuống mồ cùng Alton Coleman.
Quốc Đạt (Theo Crime Library, Cincinnati Post)