Phương pháp lập hồ sơ kẻ phạm tội ("criminal profiling") được FBI tạo ra để xác định, phân loại tính cách và đặc điểm hành vi của nghi phạm dựa trên những tội phạm mà kẻ đó thực hiện. Từ đây, nhà chức trách đã dễ dàng hơn trong việc xác định nghi phạm.
Điển hình là việc truy tìm "kẻ đánh bom điên" xảy ra tại Mỹ trong năm 1940-1956. Suốt 16 năm, George Metesky đặt bom tại nhiều địa điểm công cộng xung quanh thành phố New York nhưng không bị sa lưới. Năm 1956, chuyên viên tâm thần học James Brussel đánh giá nghi phạm là nam giới, độc thân, nhập cảnh vào Mỹ, rất cẩn thận và kỹ lưỡng (thể hiện qua nét chữ viết tay). Tên này ắt có thù với công ty điện Consolidated Edison (quả bom đầu tiên là nhắm vào đây), chứng hoang tưởng (vì chứng hoang tưởng thường lên tới cực điểm vào tuổi 35, nên sau 16 năm, kẻ đánh bom khi ấy sẽ ở vào tuổi 50).
Sau khi báo chí đăng các dự đoán trên để làm mồi nhử theo kế hoạch của James Brussel, George Metesky gọi tới đe dọa vị chuyên gia. Khi bị bắt giữ sau đó, George Metesky mặc áo khoác có hai hàng khuy được cài ngay ngắn, đúng như James Brussel dự đoán.
Phương pháp lập hồ sơ kẻ phạm tội gồm 6 bước:
1. Thu thập dữ liệu: người phân tích sẽ thu thập và sắp xếp toàn bộ thông tin liên quan vụ án. Bao gồm bản báo cáo chi tiết về cuộc điều tra tội phạm, ảnh hiện trường, bản mô tả về khu vực nơi xảy ra án mạng, bản báo cáo khám nghiệm của pháp y, đường đi của nạn nhân trước khi chết, và bối cảnh của nạn nhân.
2.Thiết lập những đặc điểm và chi tiết cơ bản của án mạng: Bao gồm vụ giết người là trường hợp đơn lẻ hay hàng loạt, giết người là mục đích chủ yếu hay thứ yếu của kẻ gây án, nạn nhân là người dễ bị tổn thương (ví dụ, người vô gia cư, gái bán hoa) hay người có rủi ro thấp (ví dụ, người đã kết hôn, có công việc). Một số yếu tố khác được cân nhắc còn bao gồm liệu nạn nhân bị sát hại ngay hiện trường hay ở chỗ khác, hiện trường gốc có đặc điểm gì.
3. Đánh giá tội phạm: Dựa trên những gì đã quan sát, nghiên cứu, chuyên viên lập hồ sơ sẽ cố gắng xác định kẻ phạm tội là kẻ ra tay có ngăn nắp, thiếu ngăn nắp, hay hỗn hợp của cả hai.
Nếu kẻ phạm tội có cách ra tay ngăn nắp
Những tội phạm được thực hiện lớp lang, có tuần tự là tội phạm được suy tính trước và lên kế hoạch cẩn thận nên hiện trường thường ít để lại vật chứng. Chúng có tư tưởng chống đối xã hội, ra tay tàn nhẫn nhưng vẫn biết phân biệt phải trái, không bị điên loạn.
Đây là những kẻ thường có trí tuệ ở mức trung bình hoặc trên trung bình với vẻ ngoài cuốn hút, đã kết hôn, có học thức và việc làm, rất ngăn nắp, có tính cách ranh mãnh và kiểm soát. Chúng còn có thể rất lôi cuốn, thường biết cách nói chuyện để dụ dỗ nạn nhân vào bẫy.
Nếu tội phạm do những kẻ này thực hiện, thường sẽ có ba hiện trường phạm tội riêng biệt: nơi nạn nhân bị tiếp cận, nơi án mạng xảy ra, và nơi thi thể bị vứt bỏ. Những tên tội phạm ngăn nắp thường rất khó bị bắt vì thường dành ra nhiều công sức che giấu dấu vết, đồng thời am hiểu kiến thức pháp y. Chúng cũng có thể theo dõi tin tức về vụ án hoặc chủ động liên lạc với giới truyền thông.
Ví dụ cho dạng này là kẻ từng giết nhiều phụ nữ tại Mỹ như Ted Bundy. Tên này có vẻ ngoài khá cuốn hút tới mức sau khi bị kết tội vẫn nhận được nhiều lá thư của những cô gái trẻ.
Nếu kẻ phạm tội thiếu ngăn nắp
Đây là kẻ gây án không suy tính trước nên thường để lại vật chứng như vân tay hoặc vết máu tại hiện trường, cũng như không cố gắng phi tang thi thể. Những kẻ này thường trẻ tuổi, chịu ảnh hưởng của rượu bia, ma túy hoặc mắc bệnh tâm thần. Chúng thường có trí tuệ dưới mức trung bình, kỹ năng giao tiếp xã hội kém.
Do thường trưởng thành trong gia đình bất hòa, bị người thân đánh đập hoặc lạm dụng tình dục nên kẻ phạm tội dạng này đa phần không hiểu biết hoặc có ác cảm với tình dục. Chúng thường sống một mình, thường cảm thấy sợ hãi hoặc lúng túng trong khi giết người. Vì những kẻ này đa phần không có phương tiện đi lại ổn định nên sẽ gây án ở địa điểm gần nhà hơn so với kẻ phạm tội ngăn nắp.
Chúng dùng vũ lực đột ngột và chớp nhoáng để khuất phục đối phương. Thi thể thường bị bỏ lại tại địa điểm gây án, không cố gắng che giấu.
Trường hợp giết người hàng loạt có thể là sự trộn lẫn giữa cả hai loại đặc tính ngăn nắp và thiếu ngăn nắp. Điều này thường xảy ra khi có nhiều kẻ gây án với tính cách khác nhau, hoặc chỉ có một song kẻ này đang trải qua sự biến đổi về tâm lý trong quá trình thực hiện hành vi.
4. Lập hồ sơ kẻ phạm tội: Chuyên viên lập hồ sơ sẽ viết báo cáo chuyển cho điều tra viên dựa trên những gì đã nghiên cứu về kẻ gây án. Bản báo cáo đưa ra dự đoán về đặc điểm ngoại hình, tính cách, và xã hội của kẻ gây án, đồ vật mà kẻ gây án có thể sở hữu (ví dụ, văn hóa phẩm khiêu dâm, thú nuôi...), đồng thời còn đề xuất chiến thuật để xác định, bắt giữ, và tra hỏi nghi phạm.
Một hồ sơ tội phạm của FBI có thể có độ dài vài đoạn văn hoặc kéo dài nhiều trang, tùy vào lượng thông tin FBI ở bước nhập dữ liệu.
5. Điều tra: Cơ quan cảnh sát địa phương sử dụng hồ sơ kẻ phạm tội do FBI đưa ra để áp dụng vào quá trình điều tra. Dựa vào nội dung trên, điều tra viên có thể thu hẹp danh sách nghi phạm. Khi có thêm thông tin về kẻ gây án, bộ hồ sơ có thể được FBI cập nhật trong quá trình điều tra.
6. Bắt giữ: Ở bước này, người ta kiểm chứng suy đoán bằng cách so sánh đặc điểm trong bản báo cáo với kẻ phạm tội đã bị bắt giữ. Kết quả của những lần điều tra thành công sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu của FBI để giúp thuật toán máy tính tinh chỉnh suy đoán trong những lần sau.
Quốc Đạt (Theo Psychology Today)