Thông tin được ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cung cấp sáng 14/7. Ngoài ra, gần 9.500 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại 35 tỉnh thành, chiếm hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng. Khoảng 60.000 công nhân là F1, 160.000 người là F2.
Tổng Liên đoàn đã chi khẩn cấp 113 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 193.000 lao động. Trong đó, chi cho mỗi công nhân dương tính 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng với F1 có hoàn cảnh khó khăn. Cơ quan này tiếp tục đề xuất các doanh nghiệp trích kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho công nhân.
Dự báo thời gian tới số lượng công nhân bị ảnh hưởng vẫn sẽ tăng, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng các cấp ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ gói 26.000 tỷ đồng. Gói an sinh có nhiều nhóm thụ hưởng là công nhân, người lao động phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng hoặc mất việc. Tổng Liên đoàn sẽ phổ biến sâu rộng chính sách đến người lao động, chủ doanh nghiệp và giám sát quá trình thực hiện.
TP HCM có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất. Đồng Nai có 1,2 triệu và Bình Dương 1 triệu lao động. Ba tỉnh thành chiếm khoảng 1/4 tổng số công nhân cả nước. Dịch đã xâm nhập vào nhiều nhà máy các địa phương này khiến doanh nghiệp phải phong tỏa, ngừng sản xuất.
Thống kê của Liên đoàn lao động TP HCM, hơn 1.800 ca nhiễm là công nhân, tính đến ngày 7/7. Riêng ngày hôm qua, Công ty Pouyuen với 56.000 công nhân, đông nhất TP HCM đã phải tạm dừng hoạt động 10 ngày để sắp xếp lại công tác phòng dịch. Chính quyền yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, 3 ngày xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ lao động.
Tại Đồng Nai, Công ty Pouchen (Biên Hòa) đã cho gần 17.000 công nhân nghỉ 14 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm. Hồi cuối tháng 5, Bắc Giang đã phải dừng hoạt động bốn khu công nghiệp phòng dịch, ảnh hưởng gần 140.000 lao động.
Hồng Chiêu