Fouad, kỹ sư về hưu, hiện 64 tuổi, chỉ là một thiếu niên khi góp mặt trong đoàn diễu hành đánh dấu ngày ra đời của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) 50 năm trước. Từ đó đến nay, UAE đã vươn mình đi lên trở thành cường quốc hùng mạnh trong khu vực.
Người nước ngoài chiếm 90% dân số UAE, hiện đứng ở mức khoảng 10 triệu người, tăng từ mức khoảng 300.000 vào thời điểm các tiểu vương quốc tập hợp lại để thành lập nhà nước liên bang.
Vươn lên giàu có nhờ dầu mỏ, UAE, quốc gia từng nằm dưới sự bảo hộ của Anh, đã bỏ lại khởi đầu khiêm tốn với những túp lều tranh, ngôi nhà đơn sơ bằng gạch bùn để trở thành một cường quốc hùng mạnh ở Trung Đông, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Dubai từng thị trấn trồng lê, giờ đây nơi này là trung tâm tài chính thương mại siêu hiện đại, với "rừng" cao ốc chọc trời, trong đó có tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa 830 m.
"Nhiều người dân từng xây nhà từ cành cây chà là, sau đó là gạch bùn. Ngày nay, chúng trở thành những biệt thự và cao ốc", Fouad nói.
Cố tổng thống UAE Zayed "tin tưởng sâu sắc vào chủ nghĩa dân tộc Arab và đã nỗ lực để thống nhất 7 tiểu vương quốc thành một liên bang duy nhất", Elham Fakhro, nhà phân tích cấp cao về Vùng Vịnh tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho hay. "Đây vẫn là hệ thống chủ nghĩa liên bang duy nhất của thế giới Arab".
Nằm trong số những nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của UAE từ những năm 1970 liên quan chặt chẽ tới trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào mà họ nắm giữ.
Tuy nhiên, Dubai, với nguồn tài nguyên dầu mỏ ít ỏi so với thủ đô Abu Dhabi, lại đi theo con đường khác, trở thành một trung tâm tài chính, giao thông, du lịch và truyền thông.
Ảnh hưởng chính trị của UAE, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Arab chỉ sau Arab Saudi, cũng ngày càng tăng, lấp đầy khoảng trống mà các cường quốc truyền thống như Ai Cập, Iraq và Syria để lại.
Kể từ sau phong trào Mùa xuân Arab năm 2011, UAE duy trì chính sách đối ngoại quyết đoán, can thiệp vào xung đột ở Yemen và đứng ra làm trung gian hòa giải trong một số xung đột ở Trung Đông và châu Phi.
Quốc gia này cũng là điểm đến của rất nhiều người trẻ Arab trốn chạy khỏi những quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
"Chính sách sau độc lập của UAE tương đối trung lập, nhưng kể từ Mùa xuân Arab, họ đã áp dụng chính sách đối ngoại tích cực hơn nhằm định hình các sự kiện chính trong khu vực theo hướng có lợi hơn cho họ", Fakhro nhận xét.
Hiện tại, UAE đã trở thành một tiếng nói có trọng lượng trong một khu vực Trung Đông đầy biến động.
Năm ngoái, họ có động thái gây bất ngờ khi bình thường hóa quan hệ với Israel, phá vỡ mối đồng thuận tồn tại suốt hàng thập kỷ qua trong thế giới Arab là tránh quan hệ với nhà nước Do Thái.
"Chúng tôi hiểu rõ mình cần chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa đối với định hướng tương lai của khu vực chúng tôi", cố vấn tổng thống UAE Anwar Gargash nhấn mạnh. "Chúng ta đã có rất nhiều khoảng trống trong thập kỷ qua và UAE không thể đứng nhìn những khoảng trống này được lấp đầy bởi kẻ xấu".
UAE bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong quá trình can thiệp vào xung đột Yemen, nhưng điều này không thể ngăn nước này trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư.
UAE những năm gần đây nới lỏng các quy định nhằm thu hút nhiều đầu tư hơn, xây dựng thương hiệu như một thiên đường thuế. Họ đã mở rộng giới hạn về quyền sở hữu tài sản đối với người không phải công dân UAE, cho phép người nước ngoài kiểm soát hoàn toàn các dự án kinh doanh và cung cấp thị thực "vàng" dài hạn cho các nhà đầu tư và nhân tài như nghệ sĩ, bác sĩ, kỹ sư hay nhà khoa học.
Ngày 2/12, UAE kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh với loạt sự kiện như trình diễn máy bay, diễu hành, bắn pháo hoa và hòa nhạc.
Fouad rơi nước mắt khi nhớ về cuộc diễu hành năm xưa ở Abu Dhabi và không thể giấu niềm tự hào về 5 thập kỷ phát triển như vũ bão của đất nước sau đó.
"50 năm sau, tôi cảm thấy thật đặc biệt", ông nói. "Đó là hành trình kỳ diệu đối với tôi và cũng là hành trình kỳ diệu đối với đất nước này".
Vũ Hoàng (Theo AFP)