Ngành công nghiệp vũ khí của Nga đang có chiều hướng hồi phục với doanh số xuất khẩu tăng dần hàng năm, nhờ những vũ khí thế mạnh truyền thống và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Russia Beyond The Headlines mới đây đưa ra danh sách 5 loại vũ khí mà các quốc gia trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu cao nhất, giúp Moscow duy trì vị thế cường quốc xuất khẩu quốc phòng.
Tàu ngầm tấn công lớp Kilo
Một tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Ảnh: TASS |
Tàu ngầm điện - diesel lớp Kilo là một trong những loại tàu ngầm chạy êm nhất, hoạt động được ở bất cứ nơi nào trên đại dương và có khả năng mang theo những vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Chuyên gia David Isenberg của Asia Times nhận định những năng lực độc đáo và vũ khí mạnh mẽ là hai đặc điểm khiến tàu ngầm của Nga hút khách và giành lợi thế trước các đối thủ là tàu ngầm Đức, Pháp và Hà Lan. Đây là loại tàu ngầm được nhiều quốc gia đặt mua để hiện đại hóa năng lực hải quân của mình.
Trong cuộc tập trận hồi tháng 10/2015, tàu ngầm tấn công lớp Kilo của hải quân Ấn Độ đã thực hiện thành công bài tập tình huống "đánh chìm" một tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ.
Tên lửa S-300 Favourite
S-300 Favourite là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, có thể bắn hạ máy bay, tên lửa và máy bay không người lái. Hệ thống có khả năng khóa 6 mục tiêu bay cùng lúc với 12 tên lửa cho mỗi mục tiêu, tạo ra một vùng cấm bay hiệu quả đối với máy bay địch trong bán kính 300 km.
Tên lửa S-300 chủ yếu được các quốc gia Đông Âu và châu Á mua để trang bị cho lực lượng phòng không của mình. S-300 có sức hấp dẫn rất lớn, bởi đây là hệ thống phòng không đầu tiên trên thế giới có thể bắn hạ thành công tên lửa hành trình R-17 Scud. Tỷ lệ bắn hạ thành công mục tiêu của S-300 qua các cuộc diễn tập là khoảng 90%.
Mới đây, Iran đã thành công trong việc mua các hệ thống S-300 của Nga sau nhiều năm trì hoãn. Hợp đồng mua S-300 từ Nga của Iran được cho là động lực để Israel sắm tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Tiêm kích đa năng MiG-35
Chiến đấu cơ đa chức năng Mig-35 của Nga. Ảnh: Wikipedia |
Máy bay MiG-35 lần đầu ra mắt tại triển lãm hàng không 2007 ở Bangalore, Ấn Độ, như một chiến đấu cơ đa năng, có khả năng tấn công cả mục tiêu trên không lẫn mặt đất ở bất cứ điều kiện thời tiết nào, và được phân loại là chiến đấu cơ thế hệ 4++.
Tướng Alexander Zelin, tư lệnh Không quân Nga, khẳng định cho tới khi máy bay tàng hình PAK-FA được giới thiệu, quân đội Nga sẽ sử dụng tiêm kích đa nhiệm MiG-35D để đối đầu với máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Mỹ.
Ai Cập được cho là đang thương thảo hợp đồng trị giá 2 tỷ USD với Nga để mua 46-62 tiêm kích MiG-35.
Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, nó sẽ trở thành sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự trở lại quốc gia Trung Đông này của vũ khí Nga sau 40 năm.
Trực thăng vũ trang tấn công
Các dòng trực thăng vũ trang tấn công của Nga là thứ vũ khí uy lực, hiệu quả, giá thành hợp lý, được nhiều lực lượng vũ trang trên khắp thế giới yêu thích.
Một khách hàng lớn của Nga là Iraq đã tiếp nhận chiếc trực thăng chiến đấu Mi-35 đầu tiên trong gói hợp đồng 4 chiếc vào cuối năm 2013. Iraq cũng bắt đầu thanh toán tiền cho 30 chiếc trực thăng tấn công Mi-28 của Nga.
Ai Cập cũng đã ký hợp đồng với nhà cung cấp vũ khí Rosoboronexpoxt của Nga mua 50 trực thăng chiến đấu Kamov Ka-52 Aligator.
Xe tăng T-90
Tăng T-90 của Nga. Ảnh: foxtrotalpha.jalopnik |
T-90 được mệnh danh là "Xe tăng bay" bởi nó nhẹ hơn so với bất cứ loại xe tăng nào của phương Tây. T-90 được trang bị các lớp giáp và phương tiện phòng thủ hiện đại để chống lại các loại tên lửa chống tăng. Với khẩu pháo nòng trơn 125 mm, có thể bắn tên lửa dẫn đường và đạn chống tăng, T-90 thực sự là một cỗ xe tăng uy lực trên chiến trường.
Khách hàng lớn nhất của Nga cho loại xe tăng này là Ấn Độ. New Delhi đã lên kế hoạch mua hơn 1.600 xe tăng T-90 của Moscow.
Do có thể hoạt động giữa điều kiện cát bụi nóng bỏng của sa mạc, T-90 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước như Algeria (đã có hơn 305 chiếc và muốn có thêm 200 chiếc nữa), Uganda, Syria, Azerbaijan và Turkmenistan.
Xem thêm: 5 siêu vũ khí thảm họa của Liên Xô.
Nguyễn Hoàng