Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) vừa đưa ra báo cáo toàn diện về các loại virus sẽ lây lan và cách ứng phó với đại dịch trong tương lai. Báo cáo xác định 6 lĩnh vực khoa học và công nghệ chính cần đầu tư là sản xuất, đảm bảo nguồn cung vaccine, thuốc kháng virus, chẩn đoán sớm các ca nhiễm, phân tích bộ gene và chia sẻ dữ liệu.
Các chuyên gia đã xác định những virus quen thuộc có thể trở thành mối đe dọa lớn, tạo nên đại dịch tiếp theo.
Virus họ corona
Các loại virus corona đầu tiên được tìm thấy lần lượt vào năm 1965 và 1967. Chúng được coi là mầm bệnh cấp thấp, chỉ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh nhẹ và viêm dạ dày, ruột. Những hiểu biết ban đầu về virus dựa trên việc nghiên cứu các chủng lây nhiễm sang gia súc hoặc chuột thí nghiệm, không gây tử vong.
Chủng HKU-1 xuất hiện năm 1995 không có khả năng gây bệnh ở mức độ cao. Do đó, virus corona từng không được coi là mối quan tâm lớn. Đến năm 2002, khi Hội chứng Hô hấp Cấp tính (SARS) xuất hiện ở Trung Quốc, giới chuyên gia mới hiểu được độ nguy hại của virus.
Virus họ corona có bộ gene RNA rất dài, mã hóa tới 30 protein virus. Chỉ 4 hoặc 5 gene tạo ra các hạt virus lây nhiễm. Nhiều gene khác hỗ trợ bằng cách trốn tránh phản ứng miễn dịch. Virus họ này đột biến với tốc độ thấp ổn định, chọn lọc những thay đổi ở phần gai protein bên ngoài, cho phép virus xâm nhập vào các tế bào vật chủ mới.
Virus corona phổ biến ở các loài dơi, chiếm 20% tổng số động vật có vú. Các đột biến này có thể lan truyền sang đột vật có vú khác, chẳng hạn cầy hương, sau đó là người.
Sau quá trình giám sát bộ gene virus, các chuyên gia cho biết còn hàng loạt chủng virus corona chưa từng được biết đến trước đây đang lưu hành ở những khu vực khác nhau. Biến đổi khí hậu tạo điều kiện để chúng bùng phát mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Covid-19 đã gieo mầm cho sự lưu hành của virus ở các loài khác, chẳng hạn chồn, mèo, chó và hươu đuôi trắng.
Quá trình tiến hóa liên tục của virus corona trong vật chủ động vật mới và ở bệnh nhân HIV suy giảm miễn dịch có thể tạo mầm mống cho đại dịch mới trong tương lai.
Virus họ flaviviridae
Họ virus flavivirus gây một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, Zika, bệnh Tây sông Nile. Các bệnh này thường không nguy hiểm đến tính mạng, triệu chứng đặc trưng là sốt, đôi khi gây phát ban, đau nhức các khớp. Một tỷ lệ nhỏ người nhiễm virus chuyển nặng. Virus viêm não Nhật Bản có thể gây viêm não, virus Zika có thể để lại dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Virus thường lây lan khi bị muỗi đốt. Song không phải loài muỗi nào cũng mang nguy cơ như nhau. Hai loại muỗi truyền virus Zika chủ yếu là Aedes aegypti và Aedes albopictus, sinh sống gần với con người. Muỗi thường trú ngụ trong ao tù, nước đọng, nơi chứa nước như chậu cây, bể nước mưa.
Virus Tây sông Nile và viêm não Nhật Bản lây truyền qua một loại muỗi khác, thường sinh sống ở các vùng đất ngập nước, những khu vực rừng rậm hoặc sân sau của các gia đình. Chúng cắn cả người và động vật.
Thông thường, thời tiết cực đoan và lũ lụt là môi trường lý tưởng cho muỗi hoạt động, từ đó gây ra các loại dịch bệnh mới.
Virus cúm (orthomyxoviridae)
Trước khi Covid-19 bùng phát, cúm là một trong những mầm bệnh truyền nhiễm phổ biến, dễ gây ra đại dịch nhất.
Virus cúm được phân thành nhiều nhánh, bao gồm cúm A, cúm B, cúm C và cúm D (ít xuất hiện hơn). Chủng cúm A được phân loại dựa trên hai loại kháng nguyên protein được tìm thấy trên bề mặt virus là haemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Chủng cúm phổ biến nhất ở người là cúm A/H1N1 và cúm A/H3N2.
Cúm lây truyền từ động vật sang người khi một chủng virus bền vững trong hoang dã có điều kiện thích hợp, xuất hiện và lây lan cho cộng đồng. Các thay đổi lớn nhất ở virus cúm chủ yếu bắt nguồn từ hiện tượng tái tổ hợp, xảy ra trong các cá thể gia cầm, lợn và cả con người. Các chủng virus mới có thể gây ra đại dịch, bởi cộng đồng và các quần thể động vật chưa có kháng thể hiệu quả.
Kể từ đầu thế kỷ 20, thế giới ghi nhận 4 đợt đại dịch cúm, xảy ra vào năm 1918, 1957, 1968 và 2009. Ở từng đợt đại dịch, chủng virus cúm mùa thông thường vẫn tồn tại song song và lây truyền hàng năm.
Dù không lan nhanh như các mầm bệnh đường hô hấp khác, thời gian ủ bệnh khi nhiễm cúm rất ngắn, khoảng 1,4 ngày, có nghĩa các đợt bùng phát có thể lây lan nhanh chóng.
Hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm, song chỉ tác dụng bảo vệ một phần. Các thuốc điều trị kháng virus bao gồm oseltamivir, zanamivir, peramivir và baloxavir. Oseltamivir làm giảm thời gian bị bệnh khoảng 24 giờ nếu sử dụng sớm. Tuy nhiên các chuyên gia còn tranh cãi liệu nó có làm giảm nguy cơ chuyển nặng và biến chủng hay không.
Virus họ paramyxoviridae
Paramyxoviridae là một nhóm virus lớn, lây lan cả người và động vật. Các virus phổ biến nhất gây bệnh sởi và quai bị.
Trên toàn cầu, sởi là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt các những trẻ bị suy dinh dưỡng. Vaccine ngừa sởi có hiệu quả cao, ước tính đã cứu sống 17 triệu người kể từ năm 2000 đến năm 2014.
Một nhóm virus paramyxoviridae có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc lập kế hoạch chống dịch trong tương lai, đó là henipavirus. Phân nhóm henipah có virus Nipah và virus Langya, đều có thể truyền từ động vật sang người.
Virus Hendra lần đầu tiên được phát hiện ở Queensland vào năm 1994, khi nó gây ra cái chết của 14 con ngựa và người huấn luyện. Kể từ đó đến nay, mầm bệnh đã lây lan sang bắc New South Wales.
Virus Nipah lây lan mạnh hơn trên quy mô toàn cầu. Các triệu chứng của bệnh nhân có thể nhẹ, song một số người phát triển thành viêm não. Các đợt bùng phát thường xuyên xảy ra ở Bangladesh. Virus dường như có thể lây truyền từ người sang người nếu tiếp xúc gần.
Alphavirus
Các triệu chứng phổ biến nhất sau khi nhiễm alphavirus là sốt, phát ban và đau khớp. Giống với các bệnh từ flavivirus, alphavirus chủ yếu lây lan thông qua muỗi Aedes aegypti tại Australia. Virus cũng lây truyền thông qua một số loại muỗi khác, gây các bệnh như sốt sông Ross.
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa rõ chúng đóng vai trò gì trong các đợt dịch viêm não ngựa miền Đông hoặc viêm não ngựa miền Tây. Đó là lý do tại sao báo cáo của CSIRO lưu ý việc chuẩn bị cho đại dịch tương lai nên thực hiện cùng với các biện pháp an toàn sinh học đã được thiết lập ở Australia.
Thục Linh (Theo Conversation)