Giống như hợp đồng mua xe, hợp đồng bảo hiểm thân vỏ (bảo hiểm tự nguyện) cũng có những điểm mà các chủ xe cần lưu ý để tránh xung đột quyền lợi khi xảy ra sự cố.
Những thông tin cơ bản có thể sai sót mà chủ hợp đồng (cá nhân hoặc công ty) cần lưu tâm là biển số xe, nhãn hiệu, năm sản xuất, số khung, số máy, giá trị xe (liên quan đến số tiền chủ xe phải trả). Bên cạnh đó là các điều khoản nếu không quy định rõ có thể nảy sinh tranh chấp, hoặc thiệt hại cho người mua như sau:
Cơ sở sửa chữa
Đây là nơi sẽ sửa chữa khi xe gặp sự cố. Khi đàm phán, chủ xe nên chọn cơ sở sửa chữa là chính hãng. Nhiều nhân viên bảo hiểm có thể tư vấn các garage ngoài với mức phí bảo hiểm thấp hơn, tuy nhiên người mua có thể gặp nhiều rủi ro hơn.
Cụ thể, garage bên ngoài có thể khó kiểm soát hơn về phụ tùng thay thế, hoặc tối ưu chi phí sửa chữa có lợi cho bảo hiểm. Khi sửa chữa chính hãng, đặc biệt với xe sử dụng dưới 5 năm, người dùng có thể kiểm soát được hạng mục thay thế và nguồn gốc phụ tùng.
Chủ xe nên chủ động đưa vào hợp đồng điều khoản "hãng bảo hiểm đồng ý chi trả phí sửa chữa ở các cơ sở do chủ xe lựa chọn".
Phụ tùng thay thế
Khi xe gặp sự cố, một số hãng bảo hiểm thường quy định sửa chữa ở mức khắc phục hư hỏng chứ không thay thế phụ tùng mới. Một số trường hợp bảo hiểm vẫn thay thế mới, nhưng chủ xe phải trả thêm tiền theo khấu hao sử dụng. Ví dụ: xe bị hỏng đèn pha, đèn mới giá trị 4 triệu đồng nhưng do xe sử dụng sau 2 năm, bảo hiểm sẽ định giá đèn bị va chạm trị giá khoảng 2 triệu và yêu cầu chủ xe trả 2 triệu phần chênh khi thay đèn mới.
Hoặc nếu thay thế mới, chủ xe sẽ chịu phần bù khấu hao của phụ kiện. Ví dụ: khi xe bị hỏng nắp ca-pô, nếu có thể khắc phục được, bảo hiểm sẽ khắc phụ, nếu chủ xe muốn bảo hiểm thay mới, hãng sẽ định giá nắp ca-pô cũ, sau đó chủ xe trả phần bù khi thay mới.
Trong phần này, chủ xe cần lưu ý điều khoản nên là: "Hãng bảo hiểm sẽ bồi thường các bộ phận bị hư hỏng cần thay thế thuộc phạm vi bảo hiểm mà không trừ phần khấu hao sử dụng".
Tổn thất động cơ
Trong mục này, các bên bảo hiểm thường sẽ ràng buộc khá rõ ràng các điều kiện liên quan đến ngập nước, thủy kích và cháy nổ. Điều khoản này sẽ chỉ áp dụng với chủ xe có tham gia bảo hiểm mở rộng có kèm bồi thường khi xảy ra các tình huống này.
Ở một số hãng bảo hiểm, dù chủ xe đã mua bảo hiểm thủy kích và cháy nổ nhưng chủ xe vẫn cần đóng một khoản khấu trừ theo phần trăm hoặc khoản tiền cố định được quy định trong hợp đồng cho mỗi một lần xảy ra sự cố.
Đối với điều khoản này chủ xe cần lưu ý điều kiện được sửa chữa. Ví dụ: hãng sẽ quy định xe chỉ được thanh toán khi hoạt động trong khu vực bị ngập, lụt trên diện rộng (tức loại trừ các trường hợp xe rơi xuống ao, hồ hay do lý do bên ngoài tác động). Chủ xe cũng cần kiểm tra kỹ mức khấu trừ (nếu có) cho mỗi một vụ việc để tránh xảy ra tranh chấp khi làm thanh toán bảo hiểm.
Mất cắp (bộ phận)
Đây cũng là điều khoản mở rộng, tuy nhiên đa số các hãng bảo hiểm để tránh chủ xe trục lợi sẽ giới hạn số lần mất cắp trong một tháng hoặc một năm. Phổ biến hiện nay là hãng không bảo hiểm nếu mất đến lần thứ hai trong một tháng và lần thứ 3 trong một năm. Chủ xe cần nắm chắc để tránh hiểu sai về việc bảo hiểm mất cắp.
Hiện nay, đa số các hãng bảo hiểm đều áp dụng rất chặt các quy định về chế tài bảo hiểm như khi gặp sự cố phải gọi cho hotline để thông báo, giữ nguyên hiện trường, không được làm sai lệch hồ sơ để tránh trục lợi bảo hiểm.
Mức miễn trừ 500.000-2.000.000 đồng cho một vụ việc giải quyết bảo hiểm cũng để chủ xe có trách nhiệm hơn trong mỗi lần báo bảo hiểm. Ngoài ra, đây cũng là cách bảo hiểm hạn chế xử lý các sự cố nhỏ như xước sơn (với trị giá dưới 500.000 đồng).
Ở mỗi hãng bảo hiểm, điều khoản, mức phí và cách xử lý sự cố bảo hiểm sẽ khác nhau. Chủ xe cũng cần tìm hiểu kỹ mọi điều khoản và điều kiện xử lý bảo hiểm ở mỗi hãng để tìm được một hãng bảo hiểm phù hợp.
Đoàn Dũng