The New York Times khẳng định kể từ lần đầu tiên King Kong chào đời trên màn ảnh rộng vào năm 1933, quái thú linh trưởng khổng lồ, ưa vỗ ngực, chuyên chọi trực thăng và có lý trí này được coi là biểu tượng của nhiều điều khác nhau với những thế hệ người Mỹ khác nhau. Trong suốt 84 năm lên màn ảnh, các phim về khỉ Kong giống như những phông nền phản chiếu các vấn đề thời sự, kinh tế và chính trị Mỹ và thế giới qua mỗi thời đại.
Kong: Skull Island (2017)
Tác phẩm lấy bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (năm 1973). Những hình ảnh trong Kong: Skull Island gợi người xem liên tưởng tới những cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo con người tới ngày tận thế - như trong phim Apocalypse Now kinh điển của đạo diễn Francis Ford Coppola. Đầu thập niên 1970 cũng là thời điểm chương trình Landsat (chương trình phóng vệ tinh quan sát Trái đất của NASA) được khởi động. Với chương trình này, gần như mọi ngóc ngách chưa được biết đến của Trái đất đều được tìm ra. Ngược lại, câu chuyện phóng vệ tinh của Landsat đặt ra mối quan ngại về nguy cơ khí hậu cũng như môi trường trên hành tinh bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cốt truyện kể về một tập đoàn bí mật gọi là Monarch đi khám phá một hòn đảo huyền bí ở Thái Bình Dương. Khi đoàn thám hiểm đa quốc tịch và sắc tộc đặt chân tới hòn đảo, hàng loạt sự cố xảy ra. Tạo hình khỉ Kong trong phim được xây dựng là vua thú khổng lồ đứng cao hơn cả những loài cây giữa rừng già. Ban đầu, Kong xuất hiện như kẻ thù của con người trước khi trở nên thân thiện hơn.
Mỹ nhân của Kong trong phim là Brie Larson. Cô là một nhiếp ảnh gia chiến trường tóc vàng can đảm, từng trải qua nhiều nhiệm vụ đầy thách thức. Mối quan hệ của cô với khỉ Kong trong phim mang tính chất hiền hòa nhưng ít lãng mạn hơn mọi phim về Kong trước đây.
King Kong (2005)
Bản phim làm lại của đạo diễn Peter Jackson có mốc thời gian cũng như cốt truyện trùng khớp với phim gốc (năm 1933) - kể về một nhà làm phim lừa một cô gái nghèo và một nhóm thủy thủ vào Đảo đầu lâu để thực hiện một tác phẩm phiêu lưu nhớ đời. Trong bản phim này, nhân vật nhà làm phim Carl Denham do tài tử Jack Black thủ vai, mỹ nhân trong phim do Naomi Watts đóng. Nhân vật phụ nữ trong phim là một cô gái tóc vàng có khát vọng lớn. Cô cũng là người kết nối được với khỉ Kong.
Mặc dù lấy bối cảnh thời đại những năm 1930, phiên bản này phô diễn công nghệ hình ảnh Hollywood đỉnh cao của thế kỷ 21. Hiệu ứng kỹ xảo trong phim do công ty Weta Digital thực hiện. Công ty này sau đó chịu trách nhiệm làm kỹ xảo cho bom tấn đặt dấu mốc cho ngành công nghiệp điện ảnh thế kỷ 21 - Avatar.
Khỉ Kong trong phim giống với quái thú hơn cả mọi tác phẩm khác. Loài sinh vật này không đứng thẳng mà đi bằng bốn chân. Các nhà sản xuất thổi hồn cho nhân vật bằng công nghệ motion capture, với sự đóng thế của tài tử Andy Serkis. Với tạo hình to lớn, Kong có thể một bước leo lên tòa chọc trời Empire State nổi tiếng ở New York.
King Kong (1976)
Cốt truyện kể về một chủ tịch tập đoàn dầu mỏ (Charles Grodin) tập hợp một nhóm người đến hòn đảo vắng để khai khoáng. Bất ngờ họ chạm trán loài Kong khổng lồ.
Trong phim, nhân vật Kong do nhiều người thật mặc đồ hóa trang thành khỉ. Nhờ tài năng của chuyên gia hóa trang Rick Baker, nhân vật Kong trông đáng tin. Khuôn mặt của Kong trông có cảm xúc với người xem nhờ chuyên gia sử dụng nhiều mặt nạ tốt. Đây cũng là phim xây dựng mối quan hệ lãng mạn sâu đậm giữa Kong và mỹ nhân (do Jessica Lange đóng). Trong một cảnh phim, Kong tắm cho người đẹp da trắng ở thác nước rồi hà hơi thổi khô cơ thể cho mỹ nhân.
King Kong 1976 phản ánh khủng hoảng năng lượng của nước Mỹ. Bộ phim khai thác ý tưởng về những tập đoàn kinh tế tìm mọi cách khai thác thiên nhiên để làm giàu. Tác phẩm cũng làm mới phiên bản gốc 1933 bằng việc cho nhân vật Kong leo lên nóc tòa Tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (bị khủng bố đánh sập năm 2001).
King Kong vs. Godzilla (1962)
Bộ phim của hãng Toho kể hai câu chuyện song song. Trong tuyến truyện thứ nhất, một nhà lãnh đạo của công ty dược tìm bắt và sử dụng Kong để làm quảng cáo. Ở tuyến truyện thứ hai, một đội tàu ngầm đâm phải tảng băng kìm kẹp Godzilla trong nhiều năm. Godzilla thoát ra, gặp Kong và quyết chiến.
Trong phiên bản này, Kong do con người mặc áo đóng thế. Đây là kỹ thuật hóa trang thường thấy trong các phim về quái vật của hãng Toho (Nhật Bản). Thiết kế hóa trang không tốt của phim khiến nhân vật Kong kém bắt mắt. Một năm sau, hãng Universal Pictures của Mỹ thực hiện lại tác phẩm này.
Bộ phim phản ánh những nỗi lo sợ về bom nguyên tử của thế giới thập niên 1950. Trong phim, những nỗi lo sợ này tràn ngập trong tác phẩm.
King Kong (1933)
Tác phẩm đầu tiên đưa khỉ Kong lên màn bạc ra mắt giữa thời kỳ Đại suy thoái của nước Mỹ. Câu chuyện về khỉ Kong khi đó giống như một ẩn dụ về cuộc sống của người dân Mỹ thời loạn lạc, khi những giấc mơ về cuộc sống vụn nát. Giới phê bình cũng thấy tác phẩm mang tính chất phân biệt chủng tộc người da màu của nước Mỹ thời bấy giờ. Theo The New York Times, người đến rạp dễ dàng nhận ra vai Kong (quái thú đen đúa khổng lồ) ám chỉ người da màu. Nhân vật này thích phụ nữ da trắng và bị cho là "mọi rợ".
Bộ phim kể về một nhà làm phim ưa mạo hiểm (Robert Armstrong đóng) gặp một cô gái xui xẻo trên phố sau khi cô bị bắt quả tang ăn trộm một quả táo. Nhà làm phim thuyết phục cô dong buồm ra khơi tới hòn đảo vắng nơi ông muốn ghi hình một tác phẩm điện ảnh. Hòn đảo này chính là Đảo đầu lâu với hàng loạt quái thú và khủng long. Fay Wray là mỹ nhân đầu tiên từng đóng cặp với Kong trong loạt phim lịch sử.
Nhân vật Kong trong phim được xử lý bằng hoạt hình theo phong cách dừng hình - chuyển động. Kỹ thuật này đi trước thời đại, giúp tạo ra nhân vật quái vật khổng lồ trên màn ảnh. Cho tới nay, cảnh phim Kong tìm cách đứng trên tòa nhà Empire State là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của điện ảnh Hollywood.