Từ cuối thế kỷ 19 cho đến thời kỳ sau Thế Chiến II, khi máy bay hải quân và tên lửa diệt hạm chưa phổ biến, thiết giáp hạm là loại tàu chiến gần như thống trị đại dương, thể hiện sức mạnh của các cường quốc trên biển, trong đó có Mỹ.
Thiết giáp hạm là loại tàu chiến lớn được bọc thép, có kích thước lớn hơn tàu tuần dương và tàu khu trục, được trang bị nhiều pháo hạm hạng nặng cỡ nòng lớn. Với giàn pháo khủng, thiết giáp hạm thường được sử dụng để kiểm soát mặt biển, khống chế các mục tiêu trên đất liền, có khả năng triển khai và tung các đòn trừng phạt đối phương, theo Scout.com.
Mỹ lần đầu sở hữu thiết giáp hạm thực sự vào năm 1895 và tàu cuối cùng loại này được cho nghỉ hưu vào năm 1992. Trong 97 năm hoạt động của các thiết giáp hạm này, 5 tàu sau được coi là những huyền thoại của hải quân Mỹ.
Thiết giáp hạm USS Texas
USS Texas là thiết giáp hạm đầu tiên của hải quân Mỹ, được đưa vào biên chế năm 1895, chỉ một thời gian ngắn trước khi tàu chiến cùng loại USS Maine được đưa vào hoạt động. Khi USS Maine bị chìm do một vụ nổ ở cảng Havana mà phía Mỹ cáo buộc là do Tây Ban Nha gây ra vào năm 1898, chiến tranh giữa hai nước bùng nổ. Thiết giáp hạm USS Texas trở thành cơn ác mộng của tàu chiến Tây Ban Nha trên Đại Tây Dương.
USS Texas và một tàu chiến khác chỉ mất 75 phút để phá hủy pháo đài của quân đội Tây Ban Nha ở Cayo del Tore. Khi các tàu chiến Tây Ban Nha tìm cách phá vòng vây của hải quân Mỹ, tàu USS Texas đã tấn công 4 tàu đối phương cùng một lúc, khiến từng chiếc một bị hỏng nặng và đâm vào bờ.
USS Texas tiếp tục tham gia các trận chiến hủy diệt hạm đội tàu chiến Tây Ban Nha, kết thúc chiến tranh.
Tàu USS Alabama
Sau khi được biên chế vào tháng 1/1943, thiết giáp hạm USS Alabama được phái đi hộ tống các tàu hàng chống lại những cuộc phục kích của tàu ngầm Đức Quốc xã, băng qua Đại Tây Dương đến Anh và Nga. Sau đó, tàu này được điều đến Na Uy để thu hút tàu chiến Đức, tạo điều kiện giúp Mỹ và đồng minh mở chiến dịch đổ bộ Husky đánh chiếm đảo Sicily.
Giữa năm 1943, tàu Alabama điều tới Thái Bình Dương yểm trợ hỏa lực cho quân đội Mỹ đánh chiếm đảo Tarawa, quần đảo Marshall và Phillipines. Thiết giáp hạm này còn bảo vệ các tàu sâu bay Mỹ khỏi bị chiến đấu cơ Nhật tấn công trong một số chiến dịch, sau đó dùng những khẩu pháo hạng nặng của mình bắn phá đảo Honshu của Nhật trước khi nước này đầu hàng.
Tàu USS Iowa
Tàu USS tham chiến từ tháng 8/1943, hoạt động trên Đại Tây Dương và chở Tổng thống Franklin D.Roosevelt đến Bắc Phi. Sau đó, tàu này di chuyển đến Thái Bình Dương, tham gia hỗ trợ một loạt cuộc tấn công đổ bộ và cùng tàu Alabama bắn phá đảo Hoshu của Nhật Bản.
Tàu Iowa còn được sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Vùng Vịnh. Trong chiến tranh Vùng Vịnh, tàu Iowa mang theo các tên lửa Tomahawk và Harpoon để hộ tống các tàu chở dầu Kuwait đến vùng biển quốc tế.
Tàu USS New Jersey
USS New Jersey lần đầu phục vụ trong Thế chiến II, tấn công các mục tiêu trên Thái Bình Dương. Năm 1982, tàu được nâng cấp lắp các tên lửa hành trình và tham gia hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ trong chiến tranh Lebanon 1983-1984. Sau nhiều thập kỷ phục vụ, USS New Jersey được Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận 19 ngôi sao chiến đấu.
Tàu USS Missouri
Tàu Missouri là thiết giáp hạm cuối cùng được biên chế vào hải quân Mỹ và cũng là thiết giáp hạm cuối cùng được cho nghỉ hưu. Tàu phục vụ từ năm 1944 đến năm 1992. Con tàu này từng bắn phá các căn cứ Nhật trên đảo Iwo Jima, Okinawa và đất liền Nhật Bản. USS Missouri là tàu biên chế cho hạm đội 3 hải quân Mỹ năm 1945 và là nơi diễn ra lễ đầu hàng của Nhật Bản, đánh dấu sự kết thúc Thế Chiến II.
Những năm sau đó, tàu này tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên và tham gia chiến dịch đổ bộ nghi binh lên bờ biển Iraq trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Sau khi ngừng hoạt động năm 1992, tàu USS Missouri trở thành bảo tàng tưởng niệm tại Trân Châu Cảng, Hawaii.
Duy Sơn