Vào dịp đầu năm mới, nhiều người thường đặt ra mục tiêu cải thiện sức khỏe. Dưới đây là 5 lời khuyên đơn giản từ các chuyên gia, giúp bạn khỏe mạnh hơn trong năm mới.
Bỏ qua bước súc miệng sau khi đánh răng
Nhiều video trên TikTok đã khuyến khích mọi người đánh răng bằng kem đánh răng có chứa florua, sau đó nhổ bọt kem ra mà không cần súc miệng.
Các chuyên gia nha khoa cũng đồng tình với phương pháp này. Họ khuyên nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có florua để ngăn ngừa sâu răng. Việc bỏ qua bước súc miệng giúp florua lưu lại trên răng lâu hơn, tăng cường bảo vệ men răng.
Theo tiến sĩ Brittany Seymour, phát ngôn viên của Hiệp hội Nha khoa Mỹ và phó giáo sư tại Trường Y khoa Nha khoa Harvard, nếu muốn súc miệng, chỉ nên dùng một lượng nước nhỏ hoặc đợi khoảng 20 phút sau khi đánh răng.
Gội đầu thường xuyên
Trên mạng xã hội, nhiều người tranh luận về việc có nên gội đầu hàng ngày hay không. Một số người ủng hộ việc xen kẽ giữa gội đầu thông thường và "no-pooing" - làm sạch tóc bằng các chất thay thế dầu gội như giấm táo, dầu xả hoặc nước lọc để duy trì lượng dầu tự nhiên.
Các bác sĩ da liễu cho rằng việc gội đầu bằng dầu gội là quan trọng, nhưng cần phải cân bằng. Gội đầu quá nhiều có thể làm khô tóc, dễ gãy rụng. Ngược lại, nếu không gội đầu và da đầu kỹ, da chết, dầu và sản phẩm tạo kiểu tóc sẽ tích tụ, gây viêm da đầu, dẫn đến gàu và thậm chí là rụng tóc, theo tiến sĩ Carolyn Goh, Phó giáo sư lâm sàng da liễu - người sáng lập Phòng khám Rối loạn Tóc và Da đầu, Đại học California, Los Angeles.
Trung bình, các bác sĩ da liễu khuyến nghị gội đầu bằng dầu gội từ hàng ngày đến 2-3 lần một tuần, tùy thuộc vào loại tóc, kết cấu, độ tuổi và việc sử dụng sản phẩm tạo kiểu.
Uống nhiều nước
Hãy uống nhiều nước, và nước có ga cũng tốt như nước lọc bởi hai loại nước này chứa cùng một hợp chất thiết yếu cho quá trình hydrat hóa. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt. Nước có ga, dù được cacbon hóa tự nhiên hay nhân tạo, đều chứa khí cacbon dioxit hòa tan, qua phản ứng hóa học tạo thành axit cacbonic, tạo ra bọt ga.
"Điều này không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước và giữ nước của cơ thể", theo Grace Derocha, chuyên gia dinh dưỡng và phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống.
Một nghiên cứu năm 2016 đã kiểm tra khả năng hydrat hóa của 13 loại đồ uống khác nhau bằng cách so sánh lượng chất lỏng đưa vào với lượng nước tiểu bài tiết. Kết quả cho thấy nước có ga không chỉ có khả năng hydrat hóa tương đương nước lọc mà còn tương đương với nhiều loại đồ uống khác, bao gồm cà phê, trà và soda.
Trong hầu hết trường hợp, quá trình hydrat hóa phụ thuộc vào lượng chất lỏng mà mọi người uống, một phần bị ảnh hưởng bởi hương vị và kết cấu. "Đó là lý do tại sao nước có ga, đối với một số người, có thể có lợi thế, bởi vì nếu bạn uống nhiều hơn, bạn có thể được hydrat hóa tốt hơn so với khi bạn uống ít hơn", theo tiến sĩ Ron Maughan, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học St. Andrews ở Scotland.
Thử quả anh đào chua
Hãy thử quả anh đào chua để giảm viêm và đau. Anh đào chua, đặc biệt là anh đào Montmorency và nước ép của chúng, chứa chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước ép anh đào chua có thể giúp ngăn ngừa tổn thương cơ bắp sau khi tập thể dục quá sức hoặc kéo dài, giảm đau cho một số người bị xơ cơ hóa và giảm viêm cho một số người bị viêm xương khớp.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược với 54 vận động viên chạy bộ khỏe mạnh cho thấy những người uống nước ép anh đào chua - một chai 355 ml hai lần mỗi ngày trong 7 ngày trước cuộc đua - để giúp ngăn ngừa đau do gắng sức cơ bắp đã "đau ít hơn đáng kể" so với nhóm dùng giả dược.
Theo tiến sĩ Kerry Kuehl, bác sĩ nội khoa, Trưởng khoa Y học thể thao tại Đại học Y tế Oregon, người dẫn đầu nghiên cứu, "mức độ giảm đau tương đương với khoảng 800 mg ibuprofen".
Bỏ rượu
Cuối cùng, hãy bỏ rượu để cải thiện giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy ngay cả một hoặc hai ly đồ uống có cồn vào buổi tối cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Rượu có thể giúp một số người ngủ nhanh hơn, nhưng trong đêm, nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ, "vì vậy bạn không có được giấc ngủ phục hồi như khi không uống rượu", theo tiến sĩ Aaron White, cố vấn khoa học cấp cao cho giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng và Nghiện rượu.
Ngoài ra, khi rượu hết tác dụng, có thể xảy ra hiệu ứng phục hồi, khiến một số người thức dậy sớm và khó ngủ lại, tiến sĩ White cho biết.
Mỹ Ý (Theo Yahoo)