PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sử dụng đai nịt bụng để giảm mỡ bụng hiện trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, PGS Tuấn nói đây không phải là phương pháp giảm cân hiệu quả và không được khuyến khích bởi các chuyên gia dinh dưỡng, y tế.
Ông Tuấn cho rằng đai nịt bụng không thực sự giúp đốt cháy mỡ thừa mà chỉ làm giảm kích thước vòng bụng bằng cách nén các mô mỡ và dịch trong cơ thể tạm thời. Đai nịt chỉ hiệu quả nếu kết hợp tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống tốt.
Việc sử dụng đai nịt bụng quá chặt hoặc quá lâu có thể gây khó chịu và các vấn đề sức khỏe. Dưới đây là 5 tác hại khi sử dụng đai nịt bụng quá chặt để giảm cân, theo PGS Tuấn.
Tạo áp lực cho các cơ quan nội tạng
Sử dụng đai nịt bụng quá chặt có thể làm tăng áp lực lên các cơ quan trong vùng bụng, gây một số tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa và hô hấp.
Tăng trào ngược dạ dày
Bụng bị nịt quá chặt có thể đẩy dạ dày và thực quản lên, làm tăng áp lực trong dạ dày, gây trào ngược.
Cản trở hô hấp
Đai nịt bụng có thể cản trở quá trình hô hấp bằng cách giảm khả năng di chuyển của cơ hoành, giảm sự linh hoạt của các cơ hoạt động trong quá trình thở, dẫn đến giảm dung tích phổi và làm hạn chế khả năng hô hấp, đặc biệt khi luyện tập thể thao.
Kích ứng, tổn thương da
Việc sử dụng đai nịt bụng cũng có thể gây ra các vấn đề về da, bao gồm gây kích ứng da, hăm da, chàm da và nổi mẩn da. Phương pháp giảm cân này cũng có thể gây ra chèn ép và tổn thương dây thần kinh hoặc các tổ chức xung quanh, gây đau và khó chịu.
Ảnh hưởng cấu trúc xương sườn
Việc sử dụng đai nịt bụng có thể ảnh hưởng đến xương sườn nếu nịt quá chặt hoặc không đúng cách. Khi đai được đeo chặt quá mức có thể tạo ra áp lực lên vùng xương sườn, gây khó chịu, đau đớn, thậm chí gây ra các tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn các cơ quan bên trong.
Mỹ Ý