Quyền của cảnh sát giao thông theo quy định mới
Từ 15/2, cảnh sát thực hiện việc tuần tra kiểm soát theo hướng dẫn của Thông tư 01. Ảnh: Bá Đô |
Ngày 15/2, Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực, thay thế Thông tư 65.
Theo đó, cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát; được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc...
Thông tư quy định rõ, cảnh sát chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong 5 trường hợp như: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ...
Nâng tốc độ xe cơ giới
Theo Thông tư 91 của Bộ Giao thông về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới hiệu lực từ 1/3, tốc độ tối đa của hầu hết phương tiện tăng thêm 10 km/h cả trong và ngoài khu dân cư.
Tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị là 60 km/h với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe trở lên; 50 km/h với đường không có phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới (quy định trước đó là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện).
Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới lưu thông khu đông dân cư được nâng lên 60km từ 1/3. Ảnh: Bá Đô |
Tương ứng với các loại đường trên, khi đi ngoài đô thị, ôtô đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ôtô tải đến 3,5 tấn được chạy tối đa lần lượt là 90 km/h và 80 km/h. Ôtô trên 30 chỗ ngồi, trên 3,5 tấn được chạy tối đa 80 km/h và 70 km/h. Các loại xe buýt, đầu kéo sơ mi rơ moóc được chạy tối đa 70 km/h và 60 km/h...
Xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h (trừ đường cao tốc). (Chi tiết quy định tốc độ tối đa từ 1/3)
Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy
Nghị định 28/2016 quy định việc bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự có hiệu lực từ 5/6.
Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ còn bao gồm: ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự.
100 vi phạm giao thông bị tăng mức phạt
Nghị định 46/2016 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực từ 1/8. Gần 100 hành vi vi phạm giao thông được điều chỉnh tăng mức xử phạt. Chẳng hạn, người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ và đèn vàng) bị phạt từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng. Người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe điện máy) và các loại xe tương tự nếu vượt đèn vàng bị phạt tiền 300.000- 400.000 đồng.
Hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển ôtô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000-800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Hướng dẫn tham gia giao thông khi thấy đèn vàng
Thông tư số 06 của Bộ Giao thông Vận tải đồng thời hướng dẫn, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trường hợp phương tiện đã tiến sát hoặc vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy, lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.