Thông tin được ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nêu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới.
"Sự cố y khoa cùng hành nghề y không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm", ông Khuê nói và dẫn chứng thêm 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy 12% người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, trong đó kê đơn sai liều lượng chiếm hơn 27%.
Tại Việt Nam, từ 2019 đến tháng 8 năm nay, 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố. Trong đó, sự cố gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương và 18,5% là tại bệnh viện tỉnh, thành phố. Riêng tại bệnh viện tuyến quận huyện, sự cố gặp nhiều nhất là nhầm thuốc, chiếm hơn 23%.
Trước thực tế này, ông Khuê nhấn mạnh bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần kê đúng loại, đúng người, đúng bệnh. "Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả", ông Khuê nói.
Với điều dưỡng khi thực hiện thuốc, cần đảm bảo 5 đúng, gồm: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian. Người bệnh trước khi sử dụng thuốc cũng cần biết thông tin về thuốc, kiểm tra liều và thời gian sử dụng, hỏi lại nhân viên y tế nếu chưa hiểu rõ.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết mỗi người dân vào một thời điểm nào đó trong đời sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, thuốc đôi khi gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ. Do đó, bà Hương nói an toàn người bệnh cần phải được ngành y tế đặt lên hàng đầu.