Thứ bảy, 16/11/2024
Thứ ba, 16/10/2018, 16:53 (GMT+7)

5 năm xây dựng cao tốc 34.000 tỷ đồng ở miền Trung

Cao tốc đầu tiên ở miền Trung nhiều lần chậm tiến độ và bị hư hỏng mặt đường chỉ sau một năm đưa vào khai thác.

Tháng 5/2013, tại xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam), Bộ Giao thông Vận tải làm lễ khởi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự kiến hoàn thành năm 2017.

Tuyến đường đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi dài 139 km. Trong đó, tuyến cao tốc có chiều dài 131 km, đoạn nối với quốc lộ quốc 1 dài gần 8 km.

Tháng 8/2016, đơn vị thi công huy động phương tiện, thiết bị đào núi, san lấp đường đoạn qua xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành (Quảng Nam).

Dự án được chia thành 13 gói thầu với tổng mức đầu tư 34.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay JICA là 16.799 tỷ đồng, vốn vay WB 12.419 tỷ đồng, còn lại hơn 5.000 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ.

Tháng 5/2017, đơn vị thi công đổ đá dăm và cho máy gạt bằng để lu lèn mặt đường trước khi thảm nhựa.

Theo chủ đầu tư, dự án đào đắp 26,6 triệu m3 đất đá; hơn 1,8 triệu m3 cấp phối đá dăm; 1,5 triệu tấn bê tông nhựa các loại; 2.700 phiến dầm cầu bê tông và 130.000 m cọc khoan nhồi.

Công trường cống chui thuộc xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn hồi tháng 8/2017. Trên tuyến cao tốc, nhà thầu thi công 228 đường ngang, đường gom.

Một nhà dân chờ giải tỏa mặt bằng để phục vụ thi công cao tốc thời điểm tháng 8/2016.

Để phục vụ dự án, ba địa phương đã thu hồi 1.180 ha đất, với hơn 18.550 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 1.956 hộ gia đình; di dời 175 công trình công cộng.

Sau 4 năm xây dựng, vào tháng 8/2017, giai đoạn một của dự án dài 65 km từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ được thông xe.

Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ 120 km/h với 4 làn xe, chiều rộng nền đường hơn 24 m; chiều rộng mặt đường hơn 22 m.

Nhà thầu lu lèn mặt đường đoạn qua Km67 hồi tháng 12/2017 để thi công giai đoạn hai Tam Kỳ - Quảng Ngãi.

Chủ đầu tư cam kết thông xe kỹ thuật cuối tháng 6/2018, tuy nhiên đơn vị này cũng như nhà thầu nhiều lần chậm tiến độ.

Đầu tháng 8/2018, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và đoàn công tác kiểm tra, đốc thúc tiến độ dự án. Sau thị sát, ông Thể bày tỏ sự không hài lòng về chất lượng thi công cũng tiến độ của công trình.

“Tại sao chất lượng bê tông lại khác nhau, đường mới thảm mà chạy lộc cộc lộc cộc, nhìn trên mặt đường cứ mỗi đoạn vài trăm mét màu sắc khác nhau, mối tiếp giáp không được êm thuận”, ông Thể nêu thắc mắc.

Sau nhận xét của Bộ trưởng Giao thông, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu bóc mặt đường và thảm lại nhựa.

"Trên tuyến có bốn đoạn mà hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ ra chưa bảo đảm chất lượng, rơi vào vị trí có tranh chấp về đền bù giải phóng mặt bằng, trước đây người dân địa phường thường ra ngăn cản nhà thầu nên các đơn vị phải tranh thủ làm ngày làm đêm", ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC giải thích.

Ngày 2/9, toàn tuyến cao tốc được khánh thành, giúp rút ngắn khoảng cách từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi còn hơn một giờ, rút ngắn được 2 giờ so với đi trên quốc lộ 1.

Sáng 15/10, nhà thầu bóc mặt đường để khắc phục tình trạng bong tróc, ổ gà ở một số vị trí trên cao tốc; dự kiến ngày 17/10 sẽ hoàn thành.

Trước đó sau đợt mưa lớn ngày 5/10, cao tốc đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ xuất hiện hư hỏng mặt đường ở nhiều vị trí. Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, Bộ giao thông yêu cầu các bên liên quan khắc phục triệt để.

Bộ Giao thông đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thu phí phương tiện trên tuyến từ 12/10 cho đến khi khắc phục xong hư hỏng mặt đường.

Ngày 16/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn về xử lý khắc phục hư hỏng mặt đường tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ông nghiêm khắc phê bình chủ đầu tư, nhà thầu và yêu cầu khắc phục nhanh hư hỏng mặt đường của cao tốc này.

Cao tốc 34.000 tỷ đồng được thi công như thế nào?
 
 

Sơn Thủy