Nguyễn Văn Bình trong phim "Cánh đồng hoang"
Lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, phim Cánh đồng hoang (phát hành năm 1979) miêu tả sự kiên cường, gan dạ của những nông dân miền Nam qua cuộc sống bình dị của một gia đình du kích. Ngoài Lâm Tới, Thúy An trong vai vợ chồng Ba Đô - Sáu Xoa, em bé trong phim khiến khán giả ấn tượng bởi vẻ hồn nhiên, ngây thơ.
Diễn viên vào vai em bé là cháu gọi đạo diễn Hồng Sến bằng ông. Anh tên thật là Nguyễn Văn Bình (còn gọi là Thuận), sinh năm 1978 tại Long An. Khi đóng phim, Thuận mới được chín tháng tuổi.
Sau vai diễn đầu đời, năm 20 tuổi, Thuận lên TP HCM theo đuổi ước mơ diễn xuất. Tuy nhiên, đạo diễn Hồng Sến đã mất trước đó hai năm, diễn viên nhí ngày nào không có nhiều điều kiện để phát triển nghiệp diễn. Anh quay về quê, chọn làm nông và kết hôn ở tuổi 22.
Hiện Thuận sở hữu hàng trăm ha ruộng cùng đất đai và máy móc nông nghiệp. Thu nhập bình quân mỗi vụ lúa của anh lên tới 300 triệu đồng. Diễn viên nhí ngày nào đã là bố của hai con trai. Anh ao ước một trong hai con viết tiếp ước mơ dang dở của mình với nghệ thuật.
Lê Văn Lộc trong phim "Xích lô"
Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng kể câu chuyện đấu tranh tìm về cái thiện của một thanh niên chất phác, tốt bụng, mồ côi và nghèo khó từ nhỏ. Phim đoạt giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1995. Nhân vật chính do diễn viên Lê Văn Lộc thủ vai.
Khi đóng phim, Lê Văn Lộc mới 20 tuổi, đang là lái xe khách tuyến Bắc - Nam. Một lần đang chạy xe máy trên đường phố Đà Nẵng, anh được đạo diễn Trần Anh Hùng phát hiện và tìm cách giữ lại. Sau cả năm trời tìm diễn viên thất bại, lý do Trần Anh Hùng chọn một lái xe vào vai chính trong bộ phim quan trọng của mình vì Lộc hội tụ đủ hai yếu tố: kinh nghiệm và cá tính.
"Khuôn mặt Lộc có những góc cạnh tương phản rất thích hợp với nhân vật trong câu chuyện, lúc thì dữ dằn, lúc lại thật nhân hậu. Lộc thích hợp với vai phu xích lô vì người còng còng, lại có sẹo. Không thể nào kiếm được một diễn viên chuyên nghiệp đóng vai này vì diện mạo sẽ quá sạch sẽ, bảnh bao", nam đạo diễn từng chia sẻ.
Lê Văn Lộc không biết chữ nên Trần Anh Hùng rất vất vả trong việc giúp anh học kịch bản và chỉ đạo diễn xuất. Đáp lại những nỗ lực của Trần Anh Hùng, Lê Văn Lộc hoàn thành xuất sắc vai diễn trong Xích lô. Sau bộ phim, nam diễn viên quyết định về quê Đà Nẵng tiếp tục nghề lái xe chứ không theo đuổi nghệ thuật. Lý giải về quyết định này, Lê Văn Lộc cho rằng anh biết mình là ai nên không nuôi mộng "trèo cao" để rồi "ngã đau".
Hiện Lê Văn Lộc sống ở Đà Nẵng cùng anh trai nhưng hiếm khi có mặt ở nhà do anh làm lái xe đường dài. Trên những chuyến xe du lịch chở khách Quốc tế, nhiều du khách vẫn nhận ra anh, xin chữ ký và chụp hình chung. Lê Văn Lộc coi những tình cảm đó là hạnh phúc lớn nhất cho vai diễn duy nhất của mình.
Lê Thế Lữ trong phim "Mùa len trâu"
Mùa len trâu (phát hành năm 2005) chuyển thể từ tiểu thuyết Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi đến mùa nước nổi, có những người đàn ông làm nghề "len trâu" - đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ. Phim đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá như Giải đặc biệt Liên hoan phim Locarno, Thụy Sĩ, Liên hoan phim Amazonas, Brasil, giải "Đạo diễn xuất sắc" ở Liên hoan phim Chicago, Mỹ...
Các diễn viên chính trong phim như Lê Thế Lữ, Kiều Trinh đều được biết tới nhiều sau bộ phim. Khi đảm nhận vai Kìm, Thế Lữ đang là sinh viên Cao đẳng nghệ thuật TP HCM. Trước đó, anh đã casting nhiều phim nhưng không được nhận vai. Đến khi đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh về nước tìm diễn viên cho phim, vô tình đọc được hồ sơ của Thế Lữ tại hãng phim Giải Phóng và liền mời anh đến thử vai.
Để vào vai Kìm, nam diễn viên mất vài tháng học bơi, cưỡi trâu và học làm nông dân. Diễn viên Kiều Trinh kể ngày nào đạo diễn cũng dẫn cô và Thế Lữ ra bến phà Thủ Thiêm học bơi và chèo thuyền. Cách ngày bấm máy nửa tháng, cả hai về An Giang sống cùng bà con để học làm nông dân và cảm nhận cách sinh hoạt, tín ngưỡng cũng như phong tục, tập quán của họ.
Sau Mùa len trâu, Thế Lữ tiếp tục tham gia một vài phim Hàn Mặc Tử, Hương phù sa, Thiên thần bé nhỏ và Lũ sói con giữa dòng đời... nhưng không có thêm phim điện ảnh nào. Sau đó, khán giả không thấy anh xuất hiện. Thế Lữ từng làm đủ công việc để sinh sống, trong đó có nghề nhân viên truyền thông. Nam diễn viên hiện định cư tại Hà Nội. Anh vừa kết hôn hồi đầu năm 2015 và đã đón nhận niềm vui làm bố.
Tạ Ngọc Bảo trong phim "Thương nhớ đồng quê"
Tạ Ngọc Bảo may mắn nổi tiếng sớm khi còn là sinh viên năm thứ nhất Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Khi đạo diễn Nhuệ Giang tìm diễn viên cho phim Thương nhớ đồng quê (phát hành năm 1995), ấn tượng với vẻ chân chất, quê mùa của chàng sinh viên, nữ đạo diễn đã mời anh vào vai chính.
Phim đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, khiến tên Ngọc Bảo nổi tiếng những năm cuối thập niên 1990. Anh được mời sang Ấn Độ tham dự liên hoan phim và nhận được khá nhiều lời mời đóng phim trong Nam, ngoài Bắc của các đạo diễn tên tuổi. Sau Thương nhớ đồng quê, Tạ Ngọc Bảo còn đóng Chiếc chìa khóa vàng, Vũ khúc con cò, Vào đời... nhưng không gây ấn tượng bằng vai diễn đầu đời. Thù lao diễn viên cũng không đủ sống. Bảo có 10 năm vừa diễn vừa lăn lộn với nghề thư ký trường quay để trang trải cuộc sống.
Khi đang đóng phim Vũ khúc con cò, có người khuyên anh nên học lái xe. Lấy được bằng lái cũng là lúc anh cưới vợ. Một người quen công tác trong ngành điện ngỏ ý giúp Bảo tìm việc làm ổn định. Nam diễn viên bỏ ngang công việc diễn xuất, trở thành một công chức. Từ đó, anh không quay lại với phim ảnh, một phần vì gương mặt anh khá kén vai. Hơn nữa, chuyện áo cơm thôi thúc khiến anh chọn công việc có thu nhập ổn định để làm tròn vai trò của người đàn ông trong gia đình.
Hiện Tạ Ngọc Bảo đã là bố của hai cậu con trai. Anh sống cùng gia đình trong một căn hộ 27 m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài công việc ở cơ quan, Bảo bận rộn với việc đưa, đón con đi học. Anh cho biết chưa khi nào thấy hối tiếc với lựa chọn của mình vì có thể nếu còn tiếp tục đóng phim, Bảo không thể vượt qua cái bóng quá lớn của Nhâm trong Thương nhớ đồng quê.
Trần Hữu Phúc trong phim "Sống trong sợ hãi"
Sống trong sợ hãi là phim nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói về cuộc sống của một người lính thời hậu chiến. Sau khi ra mắt, phim đoạt giải ba thể loại phim sinh viên quốc tế tại Liên hoan phim Cannes 2000, huy chương bạc Liên hoan phim Đài Loan 2000. Sau đó, phim giành năm giải Cánh Diều Vàng tại Cánh Diều 2005 trong đó có ba danh hiệu quan trọng là "Đạo diễn xuất sắc", "Nam diễn viên chính xuất sắc" và "Diễn viên phụ xuất sắc".
Người đóng vai Tải là diễn viên Trần Hữu Phúc. Trước vai Tải, Trần Hữu Phúc từng đóng nhiều vai phụ trên sân khấu kịch, tham gia hàng chục phim truyền hình. Vai diễn trong phim Sống trong sợ hãi đem lại cho anh giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" và được Hữu Phúc coi như một cái duyên. Khi đó, anh làm trợ lý casting cho đoàn phim. Sau thời gian dài không tìm được diễn viên thích hợp cho vai chính, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên quyết định chọn Hữu Phúc. "Khi ở trường quay, người dân đứng xem xì xào hỏi về nhân vật chính. Đến khi biết là tôi, họ ngạc nhiên tại sao diễn viên chính xấu vậy", Hữu Phúc nhớ lại.
Sau thành công của vai diễn và bộ phim, Hữu Phúc ít tham gia đóng phim mà tập trung cho công việc phó đạo diễn và đạo diễn phim truyền hình. Anh thực hiện nhiều phim truyền hình ăn khách như Mùi ngò gai, Tường vi cánh mỏng...
Châu Mỹ