"Cánh đồng hoang" sản xuất năm 1978, được coi là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, Trịnh Công Sơn viết nhạc và Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn. Phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow 1981. Với bối cảnh mênh mông, trắng xóa của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, trên trời là máy bay Mỹ quần thảo ngày đêm, êkíp phim dựng lên cuộc sống đơn sơ, đầm ấm của một gia đình du kích Nam Bộ. Nghệ sĩ Lâm Tới thủ vai Ba Đô - một người đàn ông bộc trực, nóng nảy nhưng yêu thương vợ con hết mực. Lâm Tới là một trong những diễn viên khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam cùng Trần Phương, Thế Anh, Trà Giang... Phim "Cánh đồng hoang" đánh dấu sự thành công đầu tiên của nam diễn viên ở tuyến nhân vật chính diện. Trước "Cánh đồng hoang", Lâm Tới từng ghi dấu trong các phim "Đường về quê mẹ", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"... Với những đóng góp cho điện ảnh cách mạng, Lâm Tới được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân năm 1997. Ông qua đời năm 2000, sau vai diễn cuối cùng trong phim "Đồng tiền xương máu" của đạo diễn Đinh Đức Liêm, phát hành năm 1999. Vai Sáu Xoa - vợ Ba Đô - do diễn viên Thúy An đảm nhiệm. Trước khi đóng "Cánh đồng hoang", Thúy An đã nổi tiếng qua vai diễn trong phim "Mùa gió chướng". Khi vào vai Sáu Xoa, cô đang là vợ của đạo diễn Hồng Sến. Nhờ gương mặt đẹp, ánh mắt cương nghị, Thúy An thể hiện thành công hình ảnh người phụ nữ Nam bộ can trường, quyết liệt với kẻ thù nhưng yêu thương, bao dung hết mực với người thân. Thúy An là ngôi sao màn bạc từ những năm 1970 với các phim "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn", "Mùa nước nổi", "Vùng gió xoáy"... Năm 1993, đạo diễn Hồng Sến mất khi Thúy An mới ngoài 30 tuổi. Nữ diễn viên đưa con gái chung của mình và Hồng Sến qua Lào sinh sống bằng nghề gia công đồ trang sức. Sau đó, cô kết hôn với một người Đức và định cư tại nước ngoài cho đến nay. Gia đình đạo diễn Hồng Sến kể mỗi khi về Việt Nam, Thúy An đều về quê chồng cũ tại Long An thăm hỏi họ hàng và thắp hương cho bố mẹ chồng. Diễn viên nhí Nguyễn Văn Thuận thủ vai con trai của vợ chồng Ba Đô - Sáu Xoa. Anh là cháu, gọi đạo diễn Hồng Sến bằng cậu. Theo lời kể của mẹ ruột, khi đóng phim, Thuận mới được 9 tháng tuổi. Hình ảnh bé trai hồn nhiên chơi đùa, khóc cười giữa muôn vàn nguy hiểm cận kề để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Diễn viên nhí trong bộ phim năm xưa lớn lên, trở thành anh nông dân chất phác, chăm chỉ tại một ấp nhỏ cách trung tâm tỉnh Long An gần 200 km. Anh từng đeo đuổi ước mơ làm diễn viên nhưng không thành. Nguyễn Văn Thuận hiện có vợ và hai con trai lớn. Anh sở hữu hàng trăm ha ruộng với thu nhập lên tới gần 300 triệu đồng một vụ lúa. Đại diện cho tuyến nhân vật phản diện là trung tá Mistcher do Robert Hải thủ vai. Ông tên thật là Trần Hữu Hải, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Cha ông là người Pháp, mẹ người Italy. Cha mẹ ông đều mất trong cuộc đảo chính Pháp - Nhật năm 1945. Ông được người vú nuôi đưa vào Nam năm 6 tuổi. Robert Hải quen thuộc với khán giả qua hàng loạt vai phản diện ở các phim "Biệt động Sài Gòn", "Mùa nước nổi"," Kỳ án ba bông hồng", "Mối tình đầu"... Robert Hải mất năm 2000 trong cảnh nghèo khó sau thời gian dài chống chọi bệnh ung thư gan. Trong ký ức của nhà biên kịch Hồng Ngát, trước khi chết, nam diễn viên sống một cuộc sống thanh đạm, bần hàn trong căn chòi nhỏ ven sông Sài Gòn cùng gia đình. "Trong ngôi nhà anh ở ngày ấy không có tivi, không tủ lạnh, không casette hay radio... Trong góc nhà duy nhất chỉ có chiếc giường nhưng không phải để ngủ mà là để... chất đồ như chăn, màn, quần áo", Hồng Ngát kể. Châu MỹCuộc sống nông dân của em bé 'Cánh đồng hoang' sau gần 40 năm