Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), khái niệm du lịch bền vững được hiểu là: Bảo tồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học; Tôn trọng và giữ gìn văn hóa của cộng đồng địa phương; Giải quyết nhu cầu của khách du lịch và ngành công nghiệp này trong khi mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả. Dưới đây là các hình mẫu phát triển du lịch bền vững đáng để tham khảo:
Bhutan: Kiểm soát lượng khách du lịch
Vương quốc nằm ở phía đông dãy Himalayas được biết đến là một trong những "đất nước hạnh phúc nhất thế giới". Nền du lịch của Bhutan vẫn vận hành dựa trên nguyên tắc "giá trị cao, tác động thấp".
Chính phủ Bhutan thực thi các yêu cầu nhập cảnh nghiêm ngặt. Du khách phải đóng một khoản thuế 250 USD một ngày cho các chi phí cần thiết trong chuyến đi, như chỗ ở, hướng dẫn viên du lịch được cấp phép, tất cả bữa ăn và thiết bị hỗ trợ đi bộ đường dài. Số tiền này phần lớn được sử dụng để duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp cho giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Fiji: Khu nghỉ dưỡng sử dụng năng lượng mặt trời
Six Senses Fiji là khu nghỉ dưỡng nằm trên hòn đảo Malolo, sử dụng 100% năng lượng mặt trời. Nước mưa được hứng và đi qua một hệ thống lọc riêng để hạn chế chai nhựa dùng một lần. Mục đích của resort này là thải ra môi trường ít rác nhất có thể, khuyến khích du khách và người dân tuân theo quy tắc tái sử dụng và tái chế. Họ còn xử lý phân bằng "hệ thống tự hoại nhờ giun" và trồng nhiều thảo mộc, rau củ.
Tất cả sản phẩm thủ công và tác phẩm nghệ thuật tại khách sạn do dân địa phương sản xuất. Khách sạn còn hỗ trợ tổ chức từ thiện "Rise Beyon the Reef", làm cầu nối các khu vực xa xôi với chính phủ và các khu vực tư nhân ở Nam Thái Bình Dương, tạo ra một thế giới tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em.
Nam Phi - Cộng đồng tham gia quản lý du lịch ở địa phương
Mdumbi Backpackers là một doanh nghiệp khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia điều hành, phát triển du lịch sinh thái bền vững. Công ty này nằm ở trung tâm của ngôi làng văn hóa, hòa hợp với văn hóa amaXhosa của Đông Cape.
Với nhiều giải pháp phát triển bền vững tại chỗ như sử dụng năng lượng hiệu quả và quản lý chất thải, Mdumbi có mô hình quyền sở hữu độc đáo: Lao động địa phương, hiệp hội cộng đồng amaXhosa và TransCape (tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Mdumbi Backpackers) đều nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp.
TransCape hướng đến mục tiêu tạo cơ hội để người dân tiếp cận gần hơn với các nguồn lợi tức, hỗ trợ và cung cấp kiến thức cần thiết cho cộng đồng để thay đổi chất lượng cuộc sống theo hướng tốt hơn. Năm 2017, Mdumbi Backpackers cũng đã được World Responsible Tourism Awards trao giải bạc cho những nỗ lực giảm nghèo ở địa phương.
Belize - Tour du lịch tình nguyện
Responsible Travel là nhà điều hành du lịch có trách nhiệm ở Anh. Họ tổ chức các gói du lịch bền vững, cho cá nhân tham gia tình nguyện tại một tổ chức bảo tồn ở Belize.
Khách du lịch được tạo cơ hội tham gia cùng các nhà bảo tồn và chuyên gia địa phương như một tình nguyện viên, làm việc 5 ngày một tuần trong các khu rừng mưa nhiệt đới. Các tình nguyện viên được kiểm tra nghiêm ngặt và đi kèm một người hướng dẫn trước. Họ hỗ trợ du khách để đảm bảo việc tình nguyện tôn trọng người dân địa phương, động vật và môi trường.
Thụy Sĩ - Quỹ phát triển du lịch bền vững
Quỹ đoàn kết du lịch Thụy Sĩ (SST) là một tổ chức phi lợi nhuận, được phát triển từ một trong những nhà điều hành tour du lịch hàng đầu ở Thụy Sĩ. Quỹ này được thành lập vào năm 2001, hỗ trợ các dự án và tổ chức ở Thụy Sĩ và trên thế giới nhằm cải thiện sinh kế của người dân tại các điểm du lịch. Qua đó, quỹ góp phần phát triển du lịch bền vững và đóng góp vào sự hiểu biết đa văn hóa giữa khách du lịch và người dân địa phương.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần hai sẽ diễn ra ngày 9/12 tại Hà Nội. Sự kiện là cuộc gặp gỡ, đối thoại công - tư cấp quốc gia, khu vực để thảo luận những vấn đề, giải pháp thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam.
Thông tin chi tiết về diễn đàn và đăng ký tham dự tại https://vief.vnexpress.net
Trang Anh (Theo Sustainability Management School)