Một trang báo Mỹ vừa đăng tải bài viết của hai tác giả Jessica Harpe và Brenna Rushing về "5 điều tệ hại nhất của các show truyền hình thực tế", trong đó chủ yếu khảo sát các chương trình ca nhạc đang "hot" hiện nay như The Voice, American Idol, The X Factor và America’s Got Talent. Bài báo vạch ra những nguyên nhân có khả năng chấm dứt thời kỳ hoàng kim của các show thực tế trên truyền hình.
Bộ ba giám khảo được đánh giá là hoàn hảo của American Idol những mùa đầu. |
Thứ nhất, người chiến thắng tại các show thực tế là những kẻ sớm nở tối tàn. Các đấu trường như American Idol thu hút hàng chục nghìn thí sinh tham dự. Tuy nhiên, sau hàng loạt vòng tranh tài, chỉ còn vài người được nhớ mặt đặt tên, được lăng xê trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và với họ, danh tiếng cũng "dễ đến, dễ đi". Ruben Studdard là một ví dụ. Anh này đăng quang American Idol mùa thứ hai (2003) nhưng sức nóng của chiến thắng ấy nguội dần rồi dường như lạnh hẳn sau 8 năm. Từ năm 2003 đến nay, Studdard đã ký hợp đồng với 4 công ty sản xuất khác nhau và ra 5 album. Nhưng sản phẩm duy nhất gây chú ý là album nhạc đầu tay, ra mắt ngay sau khi giành chiến thắng. Những album còn lại lần lượt ra đời trong sự thờ ơ của công chúng.
Nếu Ruben Studdard là trường hợp quá lâu, quá cũ thì Lee DeWyze vừa giành chiến thắng mới đây thôi, năm 2010. Anh đã có 4 album, không một sản phẩm nào lọt vào bảng xếp hạng nào, dù 2 trong số đó ra mắt sau khi chủ nhân đã trở thành thần tượng âm nhạc Mỹ. Đó là những hiện tượng chóng nổi chóng tàn bởi danh tiếng của họ chỉ dựa trên số phiếu của cái đám đông đang bị truyền thông "xúi bẩy" chứ không dựa trên những thành tựu lâu dài gây dựng được trong lòng công chúng.
Tuy nhiên, các chương trình thực tế cũng sản xuất ra được một số giọng ca rất đắt khách như Carrie Underwood, Kelly Clarkson của American Idol và Susan Boyle của Britain’s Got Talent. Nhưng đó vẫn là con số quá ít ỏi nếu so với hàng bao cuộc thi với triệu triệu tin nhắn từ đám đông bốc đồng.
Giám khảo American 2012 vừa ra mắt đã gây sốc bằng scandal. |
Nay Randy Jackson vẫn còn nhưng ai quan tâm đến những người còn lại chứ: Mariah Carey, Ryan Seacrest, Nicki Minaj và Keith Urban. Hay họ vẫn quan tâm chỉ vì Mariah Carey đã gọi Nicki Minaj là "con chó cái" còn Nicki Minaj lại dọa bắn kẻ đã biến mình thành "chó cái".
The Voice cũng gặp tình trạng tương tự. Cee Lo Green, xét về mọi mặt, vẫn là giám khảo tuyệt vời. Nhưng Christina Aguilera thì sao? Cô hát cũng hay, nhưng trong The Voice, người ta thường chỉ chú ý đến bộ ngực đồ sộ của cô cũng như cách cô ve vẩy chiếc quạt duyên dáng thế nào trước ống kính.
Christina Aguilera bị nhận xét là thường xuyên khoe ngực đồ sộ trên ghế giám khảo The Voice Mỹ. |
Thứ ba, giám khảo thích thể hiện bản thân hơn là làm nền cho thí sinh. Trong nhiều chương trình thực tế, cách làm của nhà sản xuất đã khiến cho khán giả chú ý đến giám khảo nhiều hơn. Những vị cầm cân nảy mực cũng vì thế tranh thủ tiếp thị mình bằng những cách nói lặp lại như: "Phong cách của tôi", "Album của tôi", "Vị trí của tôi"... ngay cả khi phần đông công chúng có thể không biết Phong cách đó là gì; Album đó thế nào và Vị trí đó ở đâu.
Điều lố bịch nhất của The Voice, theo Jessica Harpe và Brenna Rushing, là để huấn luyện viên song ca cùng thí sinh. Việc này chẳng khác gì cho phép kẻ mạnh công khai "giết chết" kẻ yếu trong một vụ án ầm ĩ âm thanh. Còn X Factor, từ khi có Britney, chương trình này có lẽ nên đổi tên lại thành: "Những gì Britney làm khi cô ấy không còn điên nữa".
Thứ tư, kẻ bị loại mới là những tài năng thực sự. Các tác giả đưa ra quan điểm này với lý lẽ, ngày mà American Idol ra đời cũng là ngày mà âm nhạc đột tử. Mọi thứ của làng nhạc chỉ xoay quanh việc làm sao biến một giọng ca thành một ngôi sao. Thay vì học tập và luyện thanh miệt mài để chinh phục những tai nghe khó tính, các chàng trai cô gái chỉ việc lựa chọn gameshow nào phù hợp để tham gia thôi. Những tên tuổi như Led Zeppelin, The Beatles, Pink Floyd và Rolling Stones đâu cần người Mỹ vote cho họ. Họ làm mọi thứ theo cách rất cổ điển, đấy là viết ca khúc - hát - rồi chăm chỉ đi tour khắp đất nước. Họ mất hàng năm, hàng chục năm để có được trái tim người hâm mộ nhưng khi đã có, họ giữ được khán giả mãi mãi.
Thứ năm, thời đại của các chương trình truyền hình thực tế đã qua. Chuyện tình của khán giả với các chương trình thực tế cũng sẽ như chuyện tình của Katie Holmes. Từ chỗ ngưỡng mộ, mê hoặc, khán giả phải lòng các gameshow, gắn kết với nó, nghe theo nó và làm theo nó. Nhưng rồi một ngày, sự giả dối và những trò lố bịch dần một lộ ra. Khán giả sẽ mệt mỏi, sẽ quay lưng đi như Katie Holmes cuối cùng đã từ bỏ Tom Cruise siêu anh hùng.
Đấy là dự báo, còn thực tế, hiện tại, theo thống kê của Nielsen TV, American Idol vẫn đứng thứ hai về lượng rating trong lịch sử với trung bình 19,8 triệu khán giả (xếp sau chương trình thể thao Sunday Night Football), The Voice đứng thứ 9, X Factor thứ 19 và America’s Got Talent thứ 40.
Huyền Anh