Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 500.000 ca mắc mới ung thư tử cung và khoảng 250.000 người tử vong. Ở Việt Nam, cứ 100.000 phụ nữ thì trung bình có 13,6 người bị ung thư tử cung. 54% khám và phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Virus HPV là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư tử cung. Virus này lây lan qua đường quan hệ tình dục nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là tình dục an toàn đồng thời tiêm vắcxin ngừa HPV.
Ngoài ra để phòng tránh ung thư tử cung, bác sĩ khuyến cáo:
Không đẻ quá nhiều con
Phụ nữ càng sinh nhiều con thì khả năng tổn thương cổ tử cung càng nhiều, tạo điều kiện cho virus HPV xâm nhập. Nghiên cứu cho thấy người đẻ 7-8 lần nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 7-8 lần so với phụ nữ chưa sinh con và cao gấp 2-3 lần so với người đẻ 1-2 lần.
Không hút thuốc lá, tránh hút thụ động
Phụ nữ nhiễm HPV nếu hút thuốc lá kể cả hút thụ động, nguy cơ ung thư cổ tử cung cao gấp 2-3 lần người không hút thuốc. Thuốc lá có thể gây đột biến gene và quá trình sửa chữa đột biến gene. Khói thuốc chứa rất nhiều chất gây ung thư.
Ăn nhiều rau, quả tươi giàu vitamin
Các vitamin A, B12, C, E giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư tử cung.
Tích cực tập thể dục hằng ngày
Tập thể dục hằng ngày phù hợp sức khỏe và tuổi tác cũng tăng cường hệ miễn dịch chung, ngừa yếu tố gây bệnh.
Không uống thuốc tránh thai quá lâu
Nên dùng các biện pháp tránh thai khác nhau thay vì chỉ uống thuốc. Phụ nữ nhiễm HPV uống thuốc tránh thai 5-9 năm, nguy cơ ung thư tử cung cao gấp 3 lần so với người không dùng. Uống thuốc tránh thai trên 10 năm tỷ lệ ung thư cao gấp 4 lần bình thường.
Khám phụ khoa và làm phiến đồ âm đạo định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Phiến đồ âm đạo (Pap test) là xét nghiệm đơn giản. Theo đó, bác sĩ lấy mẫu tế bào ở bề mặt cổ tử cung phết lên phiến kính để nhìn dưới kính hiển vi, phát hiện bất thường. Phụ nữ nên xét nghiệm Pap sau khi bắt đầu có quan hệ tình dục, thực hiện ít nhất hai năm một lần và duy trì trong suốt cuộc đời.