Giữa lúc những lùm xùm xung quanh cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ bủa vây Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/5 lên đường thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên, tới thăm các nước Trung Đông và châu Âu trong 9 ngày.
Không giống những người tiền nhiệm, ông Trump chọn Trung Đông là điểm dừng chân đầu tiên trước khi tới Vatican rồi sau đó đến Brussels, Bỉ, dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuối cùng dừng chân tại Sicily, Italy, dự hội nghị cấp cao khối cường quốc kinh tế G7.
Suốt hành trình, Tổng thống Mỹ đã trải qua không ít tình huống bất ngờ, đồng thời có những động thái phá vỡ thông lệ truyền thống, theo CNN.
Thăm Bức tường Than khóc
Ngày 22/5, Donald Trump tới thăm Bức tường Than khóc ở Jerusalem, Israel. Ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên làm việc này khi còn đương nhiệm. Trong chuyến thăm, ông mặc yarmulke, trang phục truyền thống của người Do Thái. Tổng thống Mỹ dường như còn nhét một mảnh giấy ghi lời cầu nguyện vào giữa các viên đá. Đi cùng ông có con rể Jared Kushner, con gái Ivanka và Đệ nhất Phu nhân Melania. Không quan chức Israel nào tháp tùng Tổng thống Mỹ.
Bức tường Than khóc, nằm ở đông Jerusalem, là khu vực linh thiêng nhất người Do Thái thường đến cầu nguyện. Israel chiếm đông Jerusalem và Bờ Tây trong chiến tranh Arab - Israel năm 1967, hành động không được cộng đồng thế giới công nhận. Israel sau đó sáp nhập đông Jerusalem và coi toàn bộ thành phố này là thủ đô. Trong khi đó, người Palestine coi đông Jerusalem là thủ đô nhà nước tương lai của họ.
Việc đến thăm bức tường gây ra tranh cãi trước cả lúc ông Trump rời Washington. Mỹ không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cho rằng vấn đề Jerusalem phải do hai bên Israel và Palestine thỏa thuận.
Gặp Giáo hoàng
Ngày 24/5, tại Vatican, Tổng thống Mỹ Trump có cuộc gặp đầu tiên với Giáo hoàng Francis kể từ khi nhậm chức.
Giáo hoàng đã tặng ông Trump một cây ô liu nhỏ được chạm khắc mang thông điệp hòa bình. Giáo hoàng cũng trao cho Tổng thống Mỹ một bản sao có chữ ký về thông điệp mà ông đưa ra trong Ngày Hòa bình Thế giới năm ngoái, cùng ba tài liệu khác, trong đó có thông tri năm 2015, nói về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường.
Tổng thống Mỹ tỏ ra hòa nhã, khiêm nhường. Ông cảm ơn Giáo hoàng khi nhận cây ô liu và hứa sẽ "cùng vì hòa bình". Ông Trump còn tặng Giáo hoàng một bộ các bài diễn văn của Martin Luther King. Lúc rời đi, Tổng thống Mỹ khẳng định "chắc chắn không quên những gì" Giáo hoàng nói.
Chuyên gia nhận định sự thay đổi thái độ ở Tổng thống Mỹ là điều thực sự gây chú ý. Hồi năm ngoái, Giáo hoàng Francis từng nói một người đàn ông nghĩ tới việc xây tường để ngăn cách chứ không phải xây cầu để kết nối thì "không phải người Thiên chúa", ám chỉ việc ông Trump đòi xây tường ngăn biên giới với Mexico. Đáp lại, Trump chỉ trích Giáo hoàng Francis vì nghi ngờ niềm tin tôn giáo của ông.
"Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ, hai người đàn ông có thế giới quan hoàn toàn khác biệt, đã nỗ lực để thu hẹp khoảng cách bằng những cái bắt tay, một buổi nói chuyện riêng cùng một cam kết xây dựng hòa bình", cây bút Mark Landler và Jason Horowitz từ New York Times bình luận. "Họ tuân thủ chặt chẽ các nghi thức ngoại giao, tránh đưa ra các phát ngôn nhạy cảm hay những lời lẽ chỉ trích".
Phát biểu lay động thế giới Hồi giáo
Bài phát biểu của ông Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Arab - Hồi giáo - Mỹ ngày 21/5 tại Arab Saudi được nhìn nhận như một tín hiệu tốt, cho thấy sự thay đổi thái độ ở Tổng thống Mỹ về cộng đồng Hồi giáo, giới quan sát đánh giá. Tờ Hill nhận xét ông Trump đã có một bài phát biểu "đúng lúc, đúng chỗ".
Tổng thống Mỹ khẳng định ông xuất hiện trước lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo tham dự hội nghị "với tư cách người đại diện cho dân chúng Mỹ để truyền đi thông điệp về tình hữu nghị và hy vọng".
Những phát ngôn bày tỏ sự tôn trọng từ ông Trump đặc biệt có ý nghĩa đối với thế giới Arab và càng quan trọng hơn khi tiếng nói truyền đi những thông điệp ấy lại là của một người từng xem tất cả cộng đồng Hồi giáo như kẻ thù hay ngụ ý rằng đạo Hồi tự thân nó có thể mang tính thù địch và cực đoan.
Mặt khác, thông qua bài phát biểu, Tổng thống Mỹ còn kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung tay chống chủ nghĩa khủng bố.
"Mỹ sẵn sàng kề vai sát cánh với các bạn để theo đuổi các lợi ích và mục tiêu an ninh chung. Nhưng các nước Trung Đông không thể chờ đợi sức mạnh Mỹ. Các nước Trung Đông phải quyết định tương lai mà họ muốn cho chính họ, cho đất nước họ và cho con em họ", ông Trump nhấn mạnh. "Một tương lai tốt đẹp hơn chỉ có thể đạt được nếu đất nước các bạn đánh bật những kẻ khủng bố và cực đoan. Hãy đánh bật chúng. Đánh bật chúng ra khỏi nơi thờ phụng của các bạn. Đánh bật chúng ra khỏi cộng đồng của các bạn. Đánh bật chúng ra khỏi đất thánh của các bạn. Và đánh bật chúng ra khỏi Trái Đất".
Bình luận viên Anthony H. Cordesman từ Hill nhận định đây đều là những thông điệp mạnh mẽ có sức ảnh hưởng rộng lớn trong thế giới Hồi giáo.
Bị vợ từ chối nắm tay
Đệ nhất Phu nhân Melania ngày 22/5 dường như gạt tay Tổng thống Mỹ Trump, không cho ông nắm tay bà khi hai người xuống chuyên cơ Air Force One tại thành phố Tel Aviv trong chuyến thăm Israel.
Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Patti Wood cho rằng ông Trump đã làm điều ông thường làm là đi trước bà. Khi chìa tay về phía vợ, ông chỉ ngoái đầu nhìn rất nhanh chứ không chờ lâu. Hành động của ông giống như muốn nói bà Melania không theo kịp.
"Cách phản ứng của bà đối với hành vi thúc giục là gạt tay ông ấy ra. Bà Melania có lẽ muốn nói: 'Tôi sẽ không bị kéo đi giống như một đứa trẻ'", Wood giải thích.
Tuy nhiên, theo bà Wood ông Trump và bà Melania thực chất có thể rất tình cảm khi không xuất hiện trước công chúng. "Tôi nghĩ những lúc riêng tư, họ không cư xử như vậy. Nhìn lại những khoảnh khắc trước đây, bạn sẽ thấy ông Trump vô cùng thân mật và bà Melania cũng rất tình cảm", Wood nói và thêm rằng nhiều khả năng không khí trang nghiêm và căng thẳng khiến Đệ nhất Phu nhân Mỹ cảm thấy không thoải mái và vô tình có hành động như vậy.
Bước lên trước Thủ tướng Montenegro
Ngày 25/5, tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ, trong lúc chụp hình chung với các lãnh đạo thế giới, ông Trump dường như có hành động gạt Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic sang bên để bước lên trước.
Hành động của Tổng thống Mỹ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi hầu hết các bình luận trên mạng xã hội đều chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng, Thủ tướng Montenegro lại lên tiếng bênh vực ông.
"Nó chẳng biểu lộ điều gì. Tôi chỉ thấy người ta phản ứng trên mạng xã hội. Đó đơn giản là tình huống vô hại", ông Markovic nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở trụ sở NATO.
Thủ tướng Montenegro đồng thời tận dụng cơ hội để cảm ơn ông Trump vì ủng hộ nước này trở thành thành viên NATO. "Tổng thống Mỹ đứng hàng đầu là lẽ tự nhiên", ông Markovic nói.
Theo Wood, việc Tổng thống Mỹ gạt người khác sang một bên để vươn lên hàng đầu cho thấy khát khao "khẳng định mình, khát khao là số một" ở ông Trump.
Vũ Hoàng