Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Triều Video: Reuters.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in hôm qua ra tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc hội đàm lịch sử ở Panmunjom, Khu Phi quân sự (DMZ). Hai bên đề cập đến những vấn đề trọng tâm nhưng không nhắc đến các vấn đề nổi bật trong quá khứ như nhân quyền hay dự án kinh tế chung.
Vũ khí hạt nhân
Vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là yếu tố chính gây ra căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều nhà quan sát hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về việc liệu Kim có thực sự sẵn sàng từ bỏ những vũ khí đó hay không.
Hàn Quốc và Mỹ có chung mục tiêu là buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chính quyền Trump nhấn mạnh họ sẽ không giảm áp lực đối với Bình Nhưỡng cho đến khi họ phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Bất kỳ mối quan hệ kinh tế nào giữa hai miền Triều Tiên đều bị giới hạn bởi các biện pháp trừng phạt do chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố chung, Hàn - Triều khẳng định "mục tiêu chung là hướng tới một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn" và hai nước "đồng ý thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong vấn đề này".
Tuy nhiên, ngôn ngữ này tương tự như các tuyên bố trước đây khi Hàn - Triều từng họp với nhau. Hàn Quốc không đưa ra chi tiết cụ thể mà chỉ nói rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và cộng đồng quốc tế.
"Họ phần lớn 'tái chế' ngôn ngữ của các tài liệu liên Triều Tiên trước đó", Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ tại Đông Á nói và đánh giá họ thiếu các cam kết rõ ràng.
Những nỗ lực trước đây nhằm khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân đã thất bại một phần do Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ rút quân khỏi bán đảo và loại bỏ chiếc ô hạt nhân (quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết bảo vệ đồng minh không có) cho Hàn Quốc. Không có chi tiết nào về vấn đề này được công bố tại hội nghị hôm qua.
Hiệp ước hòa bình
Mục tiêu cụ thể được vạch ra trong tuyên bố chung liên Triều là kết thúc chính thức trạng thái chiến tranh đã tồn tại kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 được dừng bằng hiệp định đình chiến chứ không phải là hiệp ước hòa bình.
Hàn Quốc và lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo về mặt lý thuyết vẫn đang trong chiến tranh với Triều Tiên. Việc đạt được hiệp ước hòa bình không thể được giải quyết riêng bởi hai miền liên Triều. Vì vậy, Hàn - Triều kêu gọi tổ chức các cuộc họp với Mỹ và có thể Trung Quốc, hai bên từng tham gia vào cuộc xung đột.
Lãnh đạo Hàn Quốc năm 1953 phản đối ý tưởng về hiệp định đình chiến khiến bán đảo bị phân chia nên đã không ký hiệp định. Nó được ký bởi chỉ huy quân đội Triều Tiên, chỉ huy Mỹ của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và chỉ huy của Quân Tình nguyện Nhân dân Trung Quốc, lực lượng được Bắc Kinh điều đến bán đảo để hỗ trợ Bình Nhưỡng.
Đoàn tụ gia đình
Seoul và Bình Nhưỡng đồng ý tổ chức chương trình đoàn tụ cho các gia đình bị chia cắt vào ngày 15/8, ngày cả hai miền kỷ niệm giành được độc lập, chấm dứt quãng thời gian bị cai trị bởi thực dân Nhật Bản.
Lần cuối cùng các thành viên gia đình được gặp nhau là vào cuối năm 2015, nhưng chương trình đã bị dừng vì quan hệ hai bên xấu đi. Sau khi ông Moon nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái, chính quyền của ông nhanh chóng yêu cầu Triều Tiên nối lại chương trình nhưng Bình Nhưỡng không trả lời chính thức.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên sau đó ám chỉ rằng chương trình có thể được tiếp tục nếu Seoul bàn giao cho họ hơn 10 nữ phục vụ Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc sau khi làm việc tại một nhà hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, yêu cầu đó hiện dường như đã bị bỏ.
Khu Phi quân sự
Khu Phi quân sự (DMZ) chạy dài 240 km và rộng 4 km dọc theo vĩ tuyến 38 là nơi phân cách hai miền bán đảo. Tuyên bố chung Hàn - Triều cho biết hai bên sẽ ngừng các chương trình tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp quân sự thường xuyên và thực hiện các biện pháp khác để giảm căng thẳng dọc biên giới, biến DMZ thành "khu hòa bình". Ngoài ra, họ cũng có thể loại bỏ lính gác và hệ thống mìn tại đây.
Trao đổi liên Triều
Sau khi thiết lập một đường dây nóng giữa hai văn phòng của hai lãnh đạo, Hàn -Triều cam kết tăng cường trao đổi và đối thoại trực tiếp liên Triều, bao gồm cả đối thoại cấp thấp.
Hai nước cũng sẽ thành lập một văn phòng liên lạc ở Kaesong, Triều Tiên, mặc dù không nêu cụ thể thời gian tiến hành. Các quan chức quốc phòng sẽ gặp nhau vào tháng 5, ông Moon dự định thăm Bình Nhưỡng vào cuối năm nay. Ông Moon và ông Kim cũng nhất trí tổ chức "các cuộc họp thường xuyên và trao đổi trực tiếp qua điện đàm”.
Phương Vũ