Chia sẻ tại hội thảo về những tiến bộ trong phòng và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp ngày 8/10, giáo sư Wojciech Feleszko, khoa Hô hấp và Dị ứng nhi, Bệnh viện và Đại học Y Warsaw, Ba Lan, gợi ý 5 cách giúp tăng hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ.
Theo ông, trẻ em vốn rất nhạy cảm với các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp như tiếp xúc với các tác nhân vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết… do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành. Trẻ khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát, dẫn đến phải sử dụng kháng sinh quá mức gây nên tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
Giáo sư Feleszko nhấn mạnh sự cần thiết của các liệu pháp phòng chống nhiễm khuẩn. Trẻ năng tập thể dục, tiêm văcxin, ngủ đủ, cha mẹ không hút thuốc… sẽ tăng miễn dịch.
Tiêm văcxin
Tiêm chủng giúp tăng miễn dịch. Văcxin tạo kháng thể với một loại virus, vi khuẩn, giúp tình trạng miễn dịch chung của cơ thể tăng lên nhiều. Các loại văcxin cơ bản cần thiết nhất hiện nay là:
- Văcxin phòng bệnh ho gà và H.influenza type B (Hib)
Có hai loại văcxin bạch hầu, ho gà gồm thành phần ho gà toàn tế bào, uốn ván, viêm gan B, Hib; và văcxin ho gà với thành phần ho gà vô bào, bạch hầu, uốn ván, Hib, bại liệt.
- Văcxin sởi.
- Văcxin phế cầu.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp trên chủ yếu là do virus (chiếm 70-85%) như virus rhino, cúm A...; tác nhân do vi khuẩn chiếm 10-15%, đứng đầu là phế cầu. Văcxin phế cầu mang lại hiệu quả to lớn. Tỷ lệ trẻ nhiễm phế cầu giảm; các nguyên nhân viêm phổi, viêm màng não do phế cầu giảm đi nhiều. Trẻ tiêm văcxin phòng phế cầu, giúp bảo vệ trẻ đồng thời cũng giúp bảo vệ ông bà của trẻ.
- Văcxin cúm.
Đây là một văcxin khác cha mẹ nên cân nhắc dùng. Tỷ lệ dùng văcxin này tại nhiều nước khác nhau. Tại Nhật tỷ lệ này rất cao, nhờ đó tỷ lệ nhiễm cúm giảm, ít tử vong. Tuy nhiên, theo giáo sư Feleszko điều đáng buồn là tại Ba Lan tỷ lệ tiêm chỉ đạt 6% dân số. Tỷ lệ này tại Việt Nam cũng không cao.
Bên cạnh đó, theo một công trình nghiên cứu từ lâu, tiêm văcxin này cũng giúp giảm một số bệnh lý khác liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Thay đổi hành vi
Cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen tập thể dục, tránh nơi đông người, điều này rất khó ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Sử dụng nguồn không khí sạch
Cha mẹ không hút thuốc, cố gắng bảo vệ trẻ và bản thân khỏi hút thuốc thụ động. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ viêm tai giữa tăng lên đáng kể ở những trẻ có cha mẹ hút thuốc. Hút thuốc thụ động làm tăng tích tụ vi khuẩn phế cầu ở đường hô hấp.
Trẻ bị nhiều đợt khò khè tái diễn thường có cha mẹ hút thuốc. Trẻ hút thuốc thụ động thì nguy cơ tái diễn khò khè cao gấp ba lần.
Liệu pháp tăng cường miễn dịch
Nhóm cần kích thích miễn dịch nhiều gồm: trẻ đi nhà trẻ, có người thân hút thuốc, sống môi trường đô thị, nhà có nhiều anh chị em, trẻ đẻ non, cân nặng thấp, cơ địa dị ứng...
Các thuốc kích thích miễn dịch có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng tốt hơn.
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng đầy đủ hợp lý giúp gia tăng khả năng đề kháng của cơ thể.