Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, bốn dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2021 là Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành cuối năm 2022. Tuy nhiên, chỉ có dự án Cam Lộ - La Sơn (qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) được đưa vào khai thác, ba dự án còn lại lùi mốc hoàn thành sang năm 2023.
Khởi công ngày 30/9/2020, dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,4 km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Dự án có tổng đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, điểm đầu tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, kết nối với dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình); điểm cuối tại nút giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Giai đoạn 1 của dự án xây 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, khi hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Theo Bộ Giao thông Vận tải, tới đầu tháng 12, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 thi công đạt hơn 5.500 tỷ đồng, bằng 76% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 4% so với yêu cầu. Dự án chậm tiến độ do mưa nhiều và ảnh hưởng Covid -19 dẫn tới nhiều thời điểm phải dừng thi công.
Hết năm nay, dự án này chỉ đủ điều kiện thông xe kỹ thuật đoạn Mai Sơn - Đồng Xuân (dài 53 km). Còn đoạn Đồng Xuân (Đông Sơn, Thanh Hoá) tới quốc lộ 45 (Nông Cống, Thanh Hoá) dài khoảng 10 km chưa thể thông xe. Đoạn này vẫn còn 8 vị trí (dài khoảng 1,9 km) chưa thể thi công các lớp móng, mặt đường do phải chờ xử lý nền đất yếu. Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép kéo dài thời gian hoàn thành dự án đến 30/6/2023.
Khu vực phía Nam, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với kỳ vọng kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà với các địa danh du lịch là Phan Thiết, Mũi Né. Dự án dài 101 km, 6 làn xe, tổng vốn 11.000 tỷ đồng, đi qua tỉnh Bình Thuận, khởi công tháng 11/2020 và tính hoàn thành cuối năm 2022. Theo Ban quản lý dự án 7, đến đầu tháng 12, tiến độ của dự án đạt hơn 60,5% giá trị hợp đồng, trong đó phần tuyến chính đạt hơn 74% khối lượng.
Thời gian qua, dự án bị chậm tiến độ do thiếu mỏ vật liệu, tăng giá nguyên vật liệu, mùa mưa tới sớm so với thường lệ. Giai đoạn đầu, một số nhà thầu chưa tập trung tài chính, thiết bị, vật tư, nhân lực để thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần phải đôn đốc nhà thầu, thực hiện cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ thi công, thay thế đơn vị yếu kém.
Hiện nay trên công trường, các đơn vị đều tận dụng thời tiết khô ráo để thi công các hạng mục thảm nhựa mặt đường, phấn đấu thông tuyến vào cuối năm và hoàn thành dự án trước 30/4/2023.
Nối dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đánh giá là một trong những tuyến quan trọng nhất ở miền Nam. Khi hoàn thành, dự án giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi thành phố du lịch Phan Thiết (Bình Thuận) từ 5-6 giờ còn gần 2 giờ.
Dự án dài 99 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Thuận là 47 km, còn lại thuộc tỉnh Đồng Nai; rộng hơn 32 m, 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Cao tốc được khởi công tháng 9/2020, tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong 2 năm thi công dự án gặp nhiều khó khăn do Covid-19, bão giá vật liệu, bất lợi thời tiết, mưa nhiều... khiến tiến độ bị chậm.
Đến nay, toàn tuyến cơ bản đã liền mạch, một số đoạn đã được thảm nhựa. Đến tháng 12, dự án đã đạt 71% khối lượng, còn lại chủ yếu là thi công mặt đường, bê tông nhựa. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành khai thác từ 30/4/2023.
Với phương tiện giao thông công cộng sức chở lớn, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đặt mục tiêu về đích năm 2022 cũng không hoàn thành đúng kế hoạch. Dự án đường sắt đô thị của thủ đô triển khai từ năm 2009 với tổng mức đầu tư gần 33.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA và đối ứng trong nước. Đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi nổi và 4 km đi ngầm.
Dự án đã qua 4 lần gia hạn thời gian hoàn thành. Lãnh đạo Hà Nội đặt kế hoạch vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022, song hiện nay dự án vẫn trong giai đoạn chạy thử tàu. Theo UBND Hà Nội, đến nay tiến độ chung dự án đạt khoảng 75%, đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đạt 96%, đoạn đi ngầm 33%. Do đó, tiến độ khai thác toàn tuyến được đề xuất kéo dài đến năm 2027.
Ở phía Nam, dự án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua TP Cà Mau, tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng cũng không đạt mục tiêu hoàn thành cuối năm 2022. Công trình dài hơn 14 km, rộng 12 m cho hai làn xe, thiết kế vận tốc 80 km/h. Bắt đầu thi công từ cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành sau một năm, song dự án bị vướng mặt bằng, khan hiếm nguồn cát đắp cùng ảnh hưởng thời tiết xấu, thiếu hụt vốn... khiến tiến độ chậm trễ do với kế hoạch.
Hiện, dự án được Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư, thuộc Bộ Giao thông Vận tải) kiến nghị cho lùi thời gian hoàn thành đến tháng 4/2023. Đây là công trình quan trọng giúp giảm tải cho quốc lộ 1A, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Cà Mau. Dự án này cũng kết nối đường vành đai 3 TP Cà Mau, đường Hành lang ven biển phía Nam, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông ở khu vực miền Tây.
Đoàn Loan - Gia Minh