Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An) dài 50 km. Trước đây dự án được phê duyệt theo hình thức đối tác công tư (PPP), vốn đầu tư 8.380 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà nước 2.550 tỷ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.
Theo quyết định mới, dự án được huy động từ vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 7.290 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng là 4.300 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.770 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn 550 tỷ đồng; dự phòng 650 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2023. So với hình thức PPP, dự án này đã giảm tổng vốn đầu tư 1.080 tỷ đồng bằng vốn đầu tư công.
Tương tự, dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43 km cũng được chuyển sang hình thức đầu tư công từ đầu năm nay. Theo tính toán của Ban Quản lý dự án 2 (PMU2), dự án có tổng mức đầu tư là 5.610 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, giảm 710 tỷ đồng so hình thức PPP.
Hai dự án cao tốc trên từng được Bộ Giao thông Vận tải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP vào năm 2020. Tuy nhiên, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ thầu, còn đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn có một nhà đầu tư song hồ sơ kỹ thuật không đạt chất lượng. Bộ đã hủy kết quả đấu thầu và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển sang đầu tư công.
Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển đổi hình thức từ PPP sang đầu tư công với 3 dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây theo chủ trương của Quốc hội. Tổng mức đầu tư đã giảm hơn 3.000 tỷ đồng với các dự án này.
Cụ thể, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63 km đi qua tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa quy mô 4 làn xe giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 12.110 tỷ đồng, giảm vốn 800 tỷ đồng so với hình thức đầu tư PPP.
Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua tỉnh Bình Thuận dài 100,8 km, giai đoạn 1 với 4 làn xe, có tổng vốn đầu tư 10.850 tỷ đồng, giảm 750 tỷ đồng.
Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua Bình Thuận và Đồng Nai dài khoảng 99 km, có tổng vốn đầu tư 12.570 tỷ đồng, giảm 1.780 tỷ đồng so với hình thức PPP.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, chuyển sang đầu tư công thì cơ cấu tổng mức đầu tư dự án không gồm chi phí lãi vay ngân hàng trong thời gian xây dựng. Trước đây, tổng mức đầu tư theo hình thức PPP còn phải tính khoản lãi vay mà doanh nghiệp đầu tư phải huy động từ vốn tín dụng. Hiện việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư công sẽ hiệu quả do lãi suất trái phiếu thấp hơn nhiều so với lãi suất vốn tín dụng.
Ngoài ra, hình thức đầu tư công còn giúp đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư so với các dự án PPP, không phải chờ nhà đầu tư thu xếp vốn tín dụng. Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt vốn tín dụng cho đầu tư trung và dài hạn, doanh nghiệp khó khăn khi đầu tư dự án giao thông. Do đó, đầu tư của nhà nước giúp các dự án hạ tầng xây dựng theo quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về việc làm trong giai đoạn Covid-19.
Các dự án cao tốc trên dự kiến hoàn thành vào năm 2023, kết nối với các dự án cao tốc Bắc Nam khác đang triển khai.
Tiến độ các dự án cao tốc Bắc Nam đầu tư công:
Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn: Khởi công năm 2019, phấn đấu hoàn thành năm 2021.
Cầu Mỹ Thuận 2: Khởi công tháng 2/2020; phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023.
Các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã khởi công tháng 9/2020, dự kiến đưa vào khai thác cuối 2022.
Các đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến khởi công tháng 6/2021, khai thác năm 2023.