Ngày 19/9, Tổng thầu Trung Quốc đã vận hành đồng thời một số đoàn tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) để chuẩn bị chạy thử toàn hệ thống vào ngày mai.
Trong buổi sáng, các đoàn tàu chạy thử liên tục hai giờ đồng hồ. Đoàn tàu số một được đánh số HN01301, phía mặt trước dán băng rôn đỏ chữ vàng với nội dung: "Vận hành thử liên động dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông ngày 20/9".
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, những ngày vận hành thử đầu tiên, Tổng thầu Trung Quốc sẽ lập 5 đoàn tàu chạy liên tục dọc trên tuyến chính theo cả hai chiều. Mỗi đoàn tàu chạy cách nhau 10 phút và vận hành qua hệ thống điều khiển tự động.
Thời gian vận hành thử tiếp theo được tăng dần lên theo các mức tiêu chuẩn thiết kế, vận hành ban đêm, chạy có tải trọng.
Ngoài ra, dự án còn vận hành thử toàn bộ hệ thống ở Depot (khu lập tàu, bảo dưỡng, sửa chữa), nhà ga, công tác lập biểu đồ chạy tàu, các tiện ích phục vụ hành khách...
Liên quan đến nhân sự vận hành thử tàu, Ban quản lý dự án cho biết, trong thời gian đầu chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới tham gia và đều là nhân lực thuộc Tổng thầu Trung Quốc. Đến giai đoạn hệ thống vận hành ổn định, Ban quản lý dự án sẽ từng bước đưa nhân sự Việt Nam vào để đào tạo thực hành.
Quá trình vận hành thử dự án thực hiện theo chu trình từ đơn giản đến phức tạp; hoạt động và kết quả vận hành thử có sự giám sát, đánh giá của liên danh tư vấn độc lập Apave-Certifier-Tricc.
Dự án sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử toàn bộ 11 hệ thống thiết bị theo kế hoạch Bộ Giao thông đã báo cáo Thủ tướng. Sau 3-6 tháng vận hành thử, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam sẽ phục vụ người dân đi lại.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017 và quý 2/2018 sẽ khai thác thương mại. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn, Bộ Giao thông đã báo cáo lên Thủ tướng về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao, đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Phương án giá vé đã được Sở Giao thông Hà Nội trình UBND thành phố, dự kiến mức giá cao 30% so so với vé xe buýt.