TS Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết Tết là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ, quây quần bên nhau. Những bữa tiệc ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, thịt đông, dưa hành, xôi nếp và bánh kẹo. Những món khoái khẩu ngày Tết luôn hấp dẫn nhưng lại là "kẻ thù" với người bệnh đái tháo đường.
Dưới đây là 5 điều người bệnh đái tháo đường nên lưu lý để kiểm soát đường huyết:
Kế hoạch dinh dưỡng ngày Tết
Người bệnh đái tháo đường cần biết kiến thức về những thức ăn có thể ảnh hưởng đến cơ thể, từ đó điều chỉnh số lượng để giữ đường huyết ổn định. Nếu muốn ăn bánh chưng vào bữa tối, thì nên ăn ít chất béo, chất đạm vào bữa trưa cùng ngày, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về chỉnh liều insulin trước bữa ăn nếu đang tiêm thuốc này.
Nếu người bệnh tự chuẩn bị đồ ăn, nên cắt giảm lượng tinh bột, đồ chiên xào. Hãy xếp đồ ăn ra một chiếc đĩa nhỏ hơn, trong đó 1/4 đĩa là protein nạc, 1/4 đĩa là carbohydrate (mỳ, miến, cơm, khoai tây, ngô, xôi, bánh chưng...), 1/2 đĩa là rau xanh, mỗi phần ăn không hơn một nắm tay của người bệnh.
Nếu đi du lịch, người bệnh nên mang theo đồ ăn nhẹ dành cho người đái tháo đường, đảm bảo đủ thuốc trong quá trình lưu trú.
Tránh bỏ bữa
Người bệnh không nên bỏ bữa, không nhịn ăn để dồn vào bữa khác. Việc ăn quá nhiều vào một bữa hoặc gây tụt huyết áp khi nhịn ăn, khiến đường huyết không ổn định.
Tránh rượu, bia
Bữa ăn ngày Tết thường có chút rượu vang hoặc bia, nước uống có gas, nước ngọt, tuy nhiên các loại đồ uống chứa nhiều carbohydrate sẽ gây tăng đường huyết, hoặc rượu ảnh hưởng quá trình tổng hợp đường ở gan gây hạ đường huyết.
Triệu chứng say và hạ đường huyết khá giống nhau, do đó người bệnh đái tháo đường nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống trên.
Nếu sử dụng thì nên đo đường huyết mao mạch trong và sau uống rượu. Gia đình và bạn bè người bệnh đái tháo đường cũng nên nắm được triệu chứng của hạ đường huyết để sớm phát hiện và có cách xử lý kịp thời.
Ngủ đủ giấc
Những ngày lễ Tết rất dễ làm gián đoạn giấc ngủ, người bệnh phải đảm bảo ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, vì chỉ cần một đêm mất ngủ cũng làm tăng tình trạng kháng insulin.
Tập thể dục và tránh stress
Dù vui chơi cũng không nên bỏ qua thói quen tập thể dục, người bệnh nên tập ít nhất 30 phút/ngày, 5 lần/tuần. Tập thể dục sẽ giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện đường huyết, giảm nguy cơ tim mạch và giúp giảm cân.
Mặc dù người bệnh có thể đối mặt nhiều vấn đề lo lắng trong dịp Tết, nhưng nên tìm niềm vui, tránh căng thẳng vì việc này sẽ tiết cortisol, adrenalin - là những hormone gây tăng đường huyết.
Lê Nga