Trung Quốc là đất nước có cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, nền văn hóa hàng nghìn năm và những thị trấn cổ kính. Dưới đây là một số điều thú vị về quốc gia có diện tích lớn thứ 3 thế giới này.
Tứ đại phát minh
Với lịch sử và văn hóa lâu đời, Trung Quốc là cái nôi của nhiều phát minh vĩ đại. Trong đó phải kể đến 4 phát minh thay đổi nhân loại gồm la bàn (khoảng thế kỷ 2 TCN), giấy (năm 105), kỹ thuật in ấn (960 – 1279) và thuốc súng (khoảng năm 1000). Ngoài ra, Trung Quốc còn phát minh ra ô, kem, tơ lụa, rượu, trà đạo, bàn chải đánh răng và bàn tính.
Chỉ có một múi giờ
Về mặt địa lý, Trung Quốc trải dài trên 5 múi giờ. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố trên lãnh thổ quốc gia đều thống nhất sử dụng duy nhất giờ Bắc Kinh, múi giờ thứ 8 của thế giới (GMT+8). Vì chênh lệnh múi giờ nên khi đồng hồ chỉ 7h sáng, mặt trời đã mọc ở Tử Cấm Thành, bầu trời của những miền đất xa xôi hơn có thể vẫn chìm trong màn đêm.
Xem thêm: Vì sao Trung Quốc có một múi giờ dù diện tích lớn thứ 3 thế giới
Mỳ trường thọ
Ngoài bánh kem của phương tây, người Trung Quốc thường ăn mỳ trường thọ trong ngày sinh nhật. Đây là một loại mỳ sợi dài, được làm từ trứng, lúa mì và nước. Theo truyền thống, món ăn này giống như lời chúc sức khỏe và trường thọ của thực khách. Tuy nhiên, người ta quan niệm không nên cắn đứt sợi mỳ, để tránh rút ngắn tuổi thọ của chính mình.
Quê hương của gấu trúc khổng lồ
Môi trường sống tự nhiên của gấu trúc khổng lồ chỉ còn lại ở Tứ Xuyên, Cam Túc và Thiểm Tây. Hiện nay quốc gia này có 50 khu bảo tồn thiên nhiên dành riêng cho gấu trúc, rộng hơn 10.000 km2.
Để bảo vệ gần 2.000 cá thể gấu trúc, Trung quốc liên tục trồng lại rừng tre, tạo liên kết giữa các khu vực nhỏ lẻ với nhau. Qua đó, gấu trúc có thể tự do di chuyển và kết nối với những cá thể khác.
Đến Trung Quốc, du khách có thể ghé thăm khu bảo tồn Ngọa Long, khu bảo tồn gấu trúc khổng lồ Thành Đô (Tứ Xuyên) hay khu bảo tồn Foping (Thiểm Tây) để gặp gỡ loài động vật đáng yêu này.
Cuộc di dân lớn nhất trong năm
Cũng giống như tại Việt Nam, Tết Nguyên Đán là kỳ nghỉ dài nhất trong năm ở Trung Quốc, có thể kéo dài tới 15 ngày. Ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết là đoàn tụ với gia đình, vì vậy mọi người sẽ trở về nhà để đón giao thừa.
Ở Trung Quốc, phần lớn cha mẹ sinh sống ở những vùng quê trong khi con cái của họ làm việc ở các thành phố lớn. Vì vậy, việc trở về nhà trong ngày Tết được gọi là xuân vận hay cuộc di cư mùa xuân. Thêm vào đó, để mua được vé tàu, người dân phải đặt trước ít nhất là 60 ngày. Vào dịp cao điểm trước Tết âm lịch, mỗi giây trôi qua có tới 1.000 tấm vé tàu được bán ra tại đất nước tỷ dân này.
Thuê bạn trai, bạn gái giả
Ở Trung Quốc, sinh con, kết hôn và định cư là áp lực lớn. Vì vậy, dịch vụ thuê bạn trai, bạn gái giả để đưa về nhà ra mắt, đặc biệt trong ngày Tết Nguyên Đán cũng phát triển ở quốc gia này.
Những thanh niên độc thân sẽ tìm dịch vụ qua website hoặc các ứng dụng thuê người yêu theo ngày. Chi phí thuê người yêu giả thường có giá từ 500 đến 2.000 nhân dân tệ (khoảng 1,6 đến 6,7 triệu đồng) một ngày. Đặc biệt, trước kỳ nghỉ lễ, mức giá này có thể tăng vọt đến 6.000 nhân dân tệ (hơn 20 triệu đồng).
Dãy núi cầu vồng
Dãy núi cầu vồng thuộc công viên Zhangye Danxia, tỉnh Cam Túc là một kỳ quan địa chất thế giới. Những ngọn núi ở đây nổi tiếng với màu sắc khác biệt như đỏ thẫm, vàng, xanh lá cây và xanh lam, được hình thành dựa trên quá trình lắng đọng của phù sa và khoáng chất. Khoảng 55 triệu năm trước đây, khi mảng kiến tạo Ấn Độ va chạm với mảng Á – Âu, tầng địa chất nứt gãy tạo thành những núi đá như ngày nay, gồm cả dãy Himalaya.
Lan Hương (Theo China Highlights)