Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, gồm 8 chương, 73 điều, tập trung vào 5 vấn đề quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý phát triển hệ thống đường sắt.
Huy động nguồn lực của địa phương
Dự thảo Luật khuyến khích tất cả tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO...), đồng thời bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách để bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Trong dự luật, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nhiều quy định rút gọn thủ tục đầu tư như áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi; cấp tỉnh được quyết ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không phải làm thủ tục về chủ trương đầu tư. Việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.
Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt
Luật đường sắt hiện hành quy định hệ thống đường sắt bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng. Dự thảo luật sửa đổi bổ sung đường sắt địa phương (bao gồm đường sắt đô thị và đường sắt thông thường vận tải cả hành khách và hàng hóa) nhằm đáp ứng yêu cầu của các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Thanh Hóa... có nhu cầu đầu tư đường sắt thông thường.
Cùng với đó, dự thảo quy định tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư để quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Hiện nay việc giao hạ tầng tuyến đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, bảo trì đang gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Hành khách đi tàu Thống Nhất. Ảnh: Giang Huy.
Phát triển công nghiệp đường sắt
Dự thảo bổ sung quy định một số sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
Dự án đầu tư xây dựng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt có gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế phải có điều kiện ràng buộc nhà thầu nước ngoài chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác trong nước để Việt Nam làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và từng bước làm chủ công nghệ.
Nhà thầu, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường sắt và dự án mua sắm, đóng mới đầu máy, toa xe phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, nhằm tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, qua đó tạo ra thị trường đủ lớn góp phần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thúc đẩy nghiên cứu công nghệ
Dự thảo Luật đường sắt sửa đổi quy định một số chính sách đặc thù cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt để đảm bảo thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.
Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt được lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định; nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
Cắt giảm thủ tục hành chính
Luật Đường sắt 2017 có 20 thủ tục hành chính, dự luật mới đã cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi 10 thủ tục để tạo thuận lợi hơn và chỉ kế thừa 6 thủ tục. Các thủ tục hành chính đã được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá kỹ lưỡng tại từng chính sách trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính.
Dự thảo luật đã cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã quy định tại Luật Đường sắt 2017; phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương trong công tác đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt.