Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, kỹ năng nghiên cứu, tư duy phân tích, phản biện, sáng tạo quan trọng, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. The Debate Challenge 2021 là sân chơi để học sinh rèn luyện, hoàn thiện bản thân.
Cuộc thi giúp học sinh trang bị kỹ năng công dân toàn cầu
'The Debate Challenge" có quy mô lớn với sự đồng hành của các đơn vị có uy tín, trải vòng tuyển chọn nghiêm túc. Ban tổ chức với tinh thần giúp thí sinh tiến bộ, trang bị kỹ năng cần thiết. Từ vòng video, mỗi bài nộp của thí sinh được đánh giá cẩn thận, nhận xét chi tiết. Ở các vòng đấu, ban chuyên môn đã chuẩn bị những giám khảo có chất lượng từ trong, ngoài nước để cung cấp cho thí sinh những trải nghiệm, kiến thức thực tế.
Các đội trong trận thi đấu sẽ cùng thảo luận, phản biện để chứng minh cho giám khảo vì sao giải pháp của mình là tốt nhất. Kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện là hai trong số những năng lực quan trọng trong bộ năng lực – kỹ năng của thế kỷ 21 được UNESCO khuyến khích các trường học đồng hành cùng học sinh xây dựng, rèn luyện.
Trong một trận tranh biện, luôn có kẻ thắng người thua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc thi tìm kẻ đúng người sai. Ban tổ chức hy vọng thí sinh có những trải nghiệm về tinh thần làm việc nhóm, khả năng lắng nghe các quan điểm trái chiều, thu thập thông tin.
Tranh biện online
Trước Covid-19, giải không thể tổ chức offline như dự kiến, tuy nhiên số lượng đội đăng ký thi online rất đông, đa phần là các bạn trẻ muốn khám phá về tranh biện đến với mục đích giao lưu, học hỏi. Việc tổ chức giải online là hình thức giúp đảm bảo sức khỏe, bảo toàn cơ hội tham dự của thí sinh. Đồng thời, nhờ sử dụng nền tảng này, giải có sự tham gia của các giám khảo nước ngoài, giúp thí sinh có trải nghiệm học tập quý giá. Tuy nhiên, nền tảng thi đấu online còn mới lạ với người mới tiếp cận nên thí sinh còn nhiều bỡ ngỡ.
Sự ảnh hưởng nhiều nhất có thể là về tâm lý vì nhiều thí sinh chưa làm quen với nền tảng online, khiến thí sinh giảm tập trung vào bài nói của mình. Để hạn chế những vấn đề này, cuộc thi có các đấu giải mini, giao hữu, cung cấp tài liệu, huấn luyện cách sử dụng nền tảng online hiệu quả để giúp thí sinh an tâm thi đấu.
Áp dụng luật thi đấu của giải vô địch tranh biện thế giới
The Debate Challenge áp dụng luật thi đấu cũng hệ thống đánh giá của Giải Vô địch Tranh biện Thế giới dành cho học sinh trung học phổ thông (World Schools Debating Championship - WSDC).
Trong mỗi vòng thi, các đội sẽ được giao một chủ đề, gọi là kiến nghị. Sau đó, các đội ghép cặp và chia làm hai phe: Ủng hộ kiến nghị, Phản đối kiến nghị. Trong một cặp đấu, phe chiến thắng là đội có thể thuyết phục ban giám khảo tin vào lập trường của mình. Điều thú vị là nhiều khi lập trường các bạn cần bảo vệ lại không trùng khớp với quan điểm cá nhân.
Về tính thuyết phục, các đội sẽ được đánh giá trên ba tiêu chí: Nội dung (Các bạn nói gì?), Phong cách (Các bạn nói như thế nào?) và Chiến thuật (Vì sao các bạn lại chọn cách nói như vậy?). Đội chiến thắng là đội có tổng điểm từ ba thành phần trên cao.
Đề thi bao quát nhiều lĩnh vực
Xu hướng giáo dục chung của thế giới hiện đại là dịch chuyển từ nền giáo dục trọng "tiêu thụ" kiến thức sang định hướng phát triển năng lực thực chất. Điều này giúp học sinh chuẩn bị bước vào xã hội đầy biến động, thách thức. Vì vậy, ban chuyên môn dành nhiều thời gian nghiên cứu để xây dựng đề bài, giúp thí sinh rèn luyện khả năng tổng hợp thông tin từ các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như biến đổi khí hậu, hệ thống y tế, đại dịch toàn cầu.
Trong cuộc thi, các bạn thi đấu với chủ đề liên quan đến thông tin phổ biến trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đó có thể là nội dung trong một bộ phim, chi tiết từ một trò chơi điện tử nổi tiếng hay một sự kiện trong hoạt động của những người nổi tiếng.
Ban chuyên môn hỗ trợ thí sinh
Kết thúc vòng Sơ loại, ban tổ chức "The Debate Challenge" công bố 73 đội bước vào vòng Đấu loại, thi đấu ngày 25 - 26/9. Để chuẩn bị cho vòng Đấu loại trực tiếp, cả thí sinh và ban giám khảo đều tham gia tập huấn bài bản.
Đối với thí sinh, bên cạnh các tài liệu được tổng hợp, chỉnh sửa để phù hợp với mặt bằng chung là các thí sinh mới chưa có kinh nghiệm, các bạn đều có cơ hội tham gia một buổi tập huấn chuyên sâu 3 tiếng đồng hồ bởi Đồng Trưởng ban chuyên môn Nguyễn Ngọc Tú Uyên.
Đối với giám khảo tập sự (các bạn đăng ký tham gia để học và thực hành kỹ năng chấm tranh biện), cũng tham gia huấn luyện chuyên sâu 3 tiếng đồng hồ với ba nội dung bài bản: tư duy chấm tranh biện, kỹ năng chấm tranh biện, thực hành đưa quyết định ở các tình huống khó trong một trận đấu.
Lê Nguyễn