Bản luận tội được đại diện VKS Quân sự Bộ đội Biên phòng nêu sáng 28/6, sau một ngày xét xử. 7 bị cáo cùng bị truy tố về tội Tham ô tài sản, theo khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự. Mức án VKS đề nghị với các bị cáo thấp hơn so với khung truy tố.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sơn, cựu trung tướng Tư lệnh Cảnh sát biển bị đề nghị từ 16 năm đến 16 năm 6 tháng; Hoàng Văn Đồng, cựu trung tướng, cựu chính ủy từ 15 năm 6 tháng đến 16 năm; Doãn Bảo Quyết, cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy từ 15 năm đến 15 năm 6 tháng; Phạm Kim Hậu, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh, cựu tham mưu trưởng từ 15 năm đến 15 năm 6 tháng; Bùi Trung Dũng, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh từ 15 năm đến 15 năm 6 tháng; Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, Cục trưởng Kỹ thuật từ 10 năm đến 10 năm 6 tháng và ông Bùi Văn Hòe, cựu thượng tá, cựu phó phòng Tài chính từ 12 năm đến 12 năm 6 tháng.
VKS đề nghị tòa cấm đảm nhiệm các chức vụ trong 5-6 năm sau khi thi hành án xong án tù.
VKS đánh giá đây là vụ án "đặc biệt nghiêm trọng", liên quan các lãnh đạo, cán bộ cấp cao của Bộ tư lệnh cảnh sát biển. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu uy tín, hình ảnh của cảnh sát biển Việt Nam - lực lượng có trọng trách bảo vệ chủ quyền đất nước, luôn được nhân dân tin yêu.
Bản luận tội cho hay việc buộc tội 7 bị cáo dựa trên nhiều bằng chứng. Một trong số đó là bản tự khai nhận khuyết điểm của ông Sơn trước giai đoạn khởi tố, khi Ủy ban kiểm tra Trung ương làm việc tại đơn vị. Trong đó, ông Sơn nhận sai khi bàn bạc với 4 thủ trưởng các đơn vị để trích tiền sai, phục vụ chi tiêu và công tác.
"Số tiền này do nâng giá (thiết bị đấu thầu) mà có", đại diện VKS trích bản tự kiểm điểm của ông Sơn. Ở giai đoạn điều tra, các đồng phạm của ông Sơn cũng đưa ra lời khai với nội dung như trên.
Về việc chia 50 tỷ đồng, 5 người cùng khai diễn ra tại phòng làm việc của ông Sơn, chia làm 4 lần trong cuối năm 2019, đầu 2020. "Mệnh giá chủ yếu là 500.000 đồng và 200.000 đồng, đựng trong túi nylon màu đen", VKS nêu bút lục lời khai các bị cáo.
Sau đó, thiếu tướng Phạm Kim Hậu do "áy náy, ăn ngủ không yên" đã làm đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh tiêu cực kèm hai file ghi âm nội dung trao đổi với ông Sơn về việc dùng tiền ngân sách chi tiêu riêng. Đây cũng được coi là bằng chứng buộc tội 7 bị cáo.
"7 bị cáo đều có trình độ lý luận nhận thức cao, 5 trong số họ mang quân hàm cấp tướng, là cán bộ cao cấp, song chỉ vì lợi ích vật chất cám dỗ, các bị cáo đánh mất mình", VKS nêu quan điểm luận tội và cho rằng cần thiết tuyên bản án nghiêm khắc để răn đe.
VKS khẳng định, ông Sơn phải chịu vai trò chính cao nhất với vai trò khởi xướng, chủ mưu. 7 bị cáo có thời gian dài công tác trong quân đội, gia đình và bản thân có nhiều cống hiến, do đó VKS kiến nghị HĐXX cần nhắc các yếu tố này khi xem xét hình phạt.
Trong phiên xét hỏi chiều qua, cả 7 bị cáo đều được đại diện Bộ tư lệnh Cảnh sát biển (bị hại), xin giảm nhẹ hình phạt với lý do: phạm tội lần đầu, đã ăn năn hối cải và khắc phục toàn bộ số tiền tham ô trước giai đoạn truy tố. Vị đại diện nói khi nhận tiền các bị cáo cũng không sử dụng, không chi mục đích cá nhân.
"Các bị cáo có nhiều đóng góp với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển nói riêng và đất nước nói chung. Bị cáo Đồng 11 năm công tác ở biên giới phía bắc, ông Sơn 8 năm công tác ở Tây Nguyên. Ông Dũng có bố là liệt sĩ, được lấy tên đặt cho tên đường ở địa phương...", đại diện Bộ tư lệnh cảnh sát biển nói tại tòa.
Qua một ngày bị xét hỏi, các bị cáo cơ bản nhận sai. Ông Sơn phân trần động cơ phạm tội thấy "các thủ trưởng đời sống cá nhân vất vả, thường xuyên phải công tác đối ngoại trong khi nguồn quỹ đơn vị hạn hẹp".
Bốn thủ trưởng tại Bộ tư lệnh được "ăn chia" khoản 50 tỷ đồng cùng ông Sơn, gồm cựu trung tướng Đồng và cựu thiếu tướng Quyết, Hậu, Dũng bày tỏ ân hận, coi đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời. Các ông nhận ra sai lầm nhưng "không cách nào đấu tranh được".
Vụ án bắt đầu tháng 2/2019, khi Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách chi quản lý hành chính năm 2019, trong đó 150 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật mua sắm vật tư, thiết bị.
Ông Sơn gặp ông Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật yêu cầu "khi mua sắm vật tư, thiết bị, phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.
Nhằm tạo điều kiện cho việc rút ruột, ông Sơn chỉ đạo Phó phòng Tài chính Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật. Do đó, nguồn ngân sách cho Cục Kỹ thuật được tăng lên 179 tỷ đồng.
Đầu tháng 4/2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn trao đổi với trung tướng Đồng cùng 3 thiếu tướng Quyết, Hậu, Dũng về kế hoạch "rút ruột" 50 tỷ đồng để ăn chia. Tất cả đồng ý.
Ông Hưng theo chỉ đạo của tướng Sơn, yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật phải rút lại 50 tỷ đồng, và phải xác định "đây là nhiệm vụ Thủ trưởng giao và phải hoàn thành". Ông Hưng giao "định mức" cụ thể cho 6 người - tức mỗi trưởng phòng phải rút ruột từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng, để đủ 50 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 12/2019 đến đầu tháng 1/2020, nhận đủ tiền từ các nhà thầu, 6 trưởng phòng nộp lại toàn bộ tiền cho ông Hưng để chuyển cho tướng Sơn. Việc giao nhận tiền đều được thực hiện tại phòng làm việc của ông Hưng và ông Sơn.
Sau khi nhận 50 tỷ đồng, tướng Sơn chia cho mình và Đồng, Hậu, Quyết, Dũng. Đến ngày 19/6/2020, ông Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm.
Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xác minh.
Tháng 9/2021, 5 người tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Thanh Lam