Cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn là một trong năm cựu tướng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển bị Tòa án quân sự Thủ đô hôm nay xét xử về tội Tham ô tài sản, khung hình phạt cao nhất lên tới tử hình.
Khai động cơ phạm tội, ông Sơn nói nhận chức vụ Tư lệnh từ tháng 4/2018, khi đó thấy "các thủ trưởng Bộ Tư lệnh đi công tác đối ngoại rất nhiều, rất vất vả, từ UBND, ban bộ ngành đến cấp ủy 28 tỉnh thành ven biển". Trong khi đó quỹ đơn vị không có, làm kinh tế cũng không nhiều. Do vậy, tháng 4/2019, trong bữa cơm ở phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh, ông nêu vấn đề tìm quỹ vốn.
"Cá nhân các thủ trưởng rất khó khăn. Nếu các thủ trưởng nhất trí, bị cáo sẽ đặt vấn đề với Phòng kỹ thuật", cựu trung tướng nhớ lại câu nói lúc đó.
Thời điểm này, tháng 2/2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách chi quản lý hành chính năm 2019, trong đó 150 tỷ đồng dành cho Cục Kỹ thuật mua sắm vật tư thiết bị.
Sau cuộc họp phân bổ ngân sách, ông Sơn khai đã chủ động gặp bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, Cục trưởng Kỹ thuật) để gợi ý: "Trước tình hình các thủ trưởng Bộ Tư lệnh đang khó khăn như thế, anh xem bố trí cái nguồn cho các thủ trưởng hoạt động".
Bị cáo Hưng ban đầu nói do số tiền ông Sơn đề xuất quá lớn, việc này rất khó nhưng sau khi được quán triệt là "nhiệm vụ" đã nhận lời.
Trước việc ông Sơn luôn khẳng định phạm tội do thấy các thủ trưởng "công tác vất vả", chủ toạ Phạm Minh Khôi chất vấn: "Đi công tác có chế độ nhà nước, sao vẫn phải bớt tiền ra chi tiêu?". Ông Sơn đáp: "Bị cáo biết sai rồi".
Số tiền 50 tỷ đồng, cựu Tư lệnh Sơn cho biết chia đều cho mình và 4 thủ trưởng khác (cùng là bị cáo) mỗi người 10 tỷ đồng, gồm: ông Hoàng Văn Đồng, cựu trung tướng chính ủy; Doãn Bảo Quyết cựu thiếu tướng phó chính ủy; Phạm Kim Hậu, cựu thiếu tướng phó tư lệnh - tham mưu trưởng và ông Bùi Trung Dũng, cựu thiếu tướng phó tư lệnh.
Trước tòa, họ đều thừa nhận đây là "sai lầm lớn nhất trong đời nhưng không thể nào đấu tranh nổi".
Trong bữa cơm trưa tại phòng các thủ trưởng, khi được ông Sơn nói về việc rút ruột 50 tỷ đồng chi tiêu riêng, họ khai đã "im lặng nhất trí, không bày tỏ quan điểm gì".
Sau khi nhận 10 tỷ đồng, họ thừa nhận thấy "quá sai" nên chưa sử dụng vào việc gì, đều để nguyên tại cơ quan. Riêng cựu thiếu tướng phó Tư lệnh Bùi Trung Dũng cầm valy tiền về nhà nhưng chưa bao giờ mở ra với tâm thế "sẵn sàng nộp lại". Ông không kể chuyện này với ai, ngay cả vợ.
Vụ án được phát giác thế nào?
Hành vi tham ô "lộ sáng" từ tháng 6/2020 khi ông Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng kèm 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của nhóm mình. Khai với tòa, ông Hậu nói khi làm việc với Ban Thanh tra đã hiểu đây là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự. Vì thế, ông báo cáo và trả lại khoản tiền, do sợ bị trách nhiệm.
Là người thừa lệnh ông Sơn đi thực hiện kế hoạch rút ruột ngân quỹ, ông Hưng thừa nhận hành vi song khẳng định "không biết các thủ trưởng rút tiền để làm gì, cũng không được họp hành bàn bạc với ai".
"Mối quan hệ của bị cáo với tướng Sơn là lệ thuộc cấp trên và cấp dưới. Thủ trưởng bảo bớt thì bớt", ông Hưng khai. Theo bị cáo, lần trao đổi đầu tiên, ông Sơn chỉ chia sẻ những khó khăn của Bộ Tư lệnh, chứ không giao nhiệm vụ có tính chất mệnh lệnh. Nhận thấy việc khó, ông Hưng từ chối.
"Một mình tôi không thể làm được mà cần đến cả hệ thống. Nhưng khi anh Sơn nói đã thông qua Thường vụ về chủ trương này rồi, tôi phải coi đó là nhiệm vụ và trao đổi lại với các trưởng phòng kỹ thuật", ông Hưng khai.
Tuy nhiên, trước đó cựu trung tướng Đồng khẳng định Thường vụ không có cuộc họp nào thông qua việc bớt xén lại tiền. "Lần duy nhất, bị cáo biết đến việc này là ông Sơn nói sau bữa cơm trưa", ông Đồng trình bày.
Cáo trạng xác định, ông Hưng theo chỉ đạo của ông Sơn đã yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật phải rút lại 50 tỷ đồng, và phải xác định "đây là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành". Ông Hưng khai đã giao "định mức" cụ thể cho 6 người - tức mỗi trưởng phòng phải rút ruột từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng, để đủ 50 tỷ đồng. Còn cách thức các trưởng phòng thực hiện ra sao, ông không biết.
Được triệu tập tới tòa trong vai trò làm chứng, 6 trưởng phòng cho hay khi đó nhận chỉ đạo từ ông Hưng, không biết mục đích cấp trên sử dụng việc gì, song xác định đó là nhiệm vụ, nên phải hoàn thành dù biết "rất khó".
Với 6 người này, nhà chức trách nhận định, hành vi của họ có dấu hiệu đồng phạm tội Tham ô tài sản nhưng các cán bộ này "có mối quan hệ" các bị can, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỷ đồng sau đó bị chia cá nhân. Do đó, họ không bị không xử lý hình sự.
Toàn bộ hậu quả vụ án, 50 tỷ đồng, đã được 5 bị cáo nộp lại trước phiên tòa.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam