Thứ tư, 29/1/2025
Thứ ba, 11/5/2021, 02:08 (GMT+7)

5 cây đại thụ hút khách dọc miền đất nước

Việt NamCây đa "biết đi" ở Ninh Bình, cây si nghìn tuổi ở Đăk Lăk, gốc tung khổng lồ ở Nam Cát Tiên khiến nhiều du khách trầm trồ.

Trong lúc đợi đò tham quan khu du lịch sinh thái Thung Nham ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, nhiều du khách thường đến dưới gốc đa cao hơn 20m và tán rộng khoảng 50m. Không chỉ toả bóng mát, cây được xác định có tuổi đời nghìn năm này còn hút khách bởi cái tên cây đa "biết đi". Ảnh: Tâm Linh

Sự dịch chuyển của cây được lý giải là do thân chính (gốc) đã ba lần thay đổi vị trí, mỗi lần 10 - 15m quanh ngôi đền Gối Đại, mỗi bước di chuyển cách nhau khoảng 300 năm. Điều khiến cây đa trở nên linh thiêng trong lòng người dân địa phương là suốt nghìn năm qua cây chỉ "đi quanh" đền Gối Đại thờ Thắng Đại Vương, một vị tướng tài dưới triều nhà Đinh. Ảnh: Phong Vinh

Cây đa nổi tiếng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, được xác định có tuổi thọ khoảng 800 năm. Cây Đa Sơn Trà còn có tên là Đa núi cao, thuộc họ dâu tằm, với 26 rễ phụ phủ xuống bám sâu vào đất, mỗi rễ cao trung bình 25m. Cây cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85m. Với thế tạo hình kỳ thú và vị trí ven đường chính, gốc đại thụ thu hút ánh nhìn của mọi du khách qua rìa phía đông bán đảo. Ảnh: Tâm Linh

Cây được phát hiện vào năm 1771 và ghi tên vào danh sách cây di sản Việt Nam vào tháng 6/2014. Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bán đảo Sơn Trà là căn cứ địa quan trọng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Cây Đa Sơn Trà được lực lượng tự vệ, dân quân tự vệ, biệt động thành chọn làm nơi ẩn náu, tụ họp để trao đổi thông tin.

Du khách thường biết đến cái tên "cây đa nghìn năm" do người dân địa phương truyền miệng. Cùng trục đường với cây đa đại thụ là các điểm tham quan như đỉnh Bàn Cờ, trạm radar "mắt thần Đông Dương", sân bay trực thăng, chùa Linh Ứng Bãi Bụt, biển Tiên Sa... Ảnh: Tâm Linh

Nếu đến khu du lịch thác Dray Nur, Đăk Lăk, du khách sẽ thấy bộ rễ đồ sộ của cây si tỏa bóng mát trên đường xuống thác. Hệ thống rễ cây bám vào khối đá cao khoảng 2,5m, lan ra khoảng 3m. Chưa ai xác định tuổi thọ chính xác của cây, người địa phương phỏng đoán cây đã sống hàng nghìn năm. Ảnh: Bùi Ngọc Công

Khám phá vườn quốc gia Nam Cát Tiên, thuộc địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, du khách không thể bỏ qua một thân cây sừng sững giữa rừng. Đây là cây tung hơn 400 tuổi, cao 30m, phần gốc gần 20 người dang tay ôm, rễ lan trên mặt đất đến 5m. Bộ rễ khổng lồ của cây tung là điểm check-in đặc trưng của du khách đến Nam Cát Tiên. Ảnh: Nhật Tân

Thu hút ống kính máy ảnh của nhiều du khách đi qua thị trấn Ba Chúc, An Giang, là thân cây cao gần 20m trên đường Ngô Tự Lợi. Đây vốn là một cây dầu đã chết, nhưng vẫn trụ vững vì được cây lâm vồ và rễ bồ đề ôm quanh thân. Những bậc cao niên cho hay, khi còn sống cây dầu có thân cao hơn hiện tại, tán lá rộng đến 40m, gốc phải ba, bốn người ôm. Tồn tại hơn 300 năm, thân dầu được nhiều thế hệ người dân địa phương xem là chứng nhân lịch sử của vùng đất, do đó cây không bị chặt bỏ hay di dời. Ảnh: Tâm Linh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net