Theo chú giải của sách giáo khoa Ngữ văn tập một (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du viết trước khi đi sứ ở Trung Quốc.
Bài thơ có hai cách giải thích. Thứ nhất, Tiểu Thanh ký là tập thơ của nàng Tiểu Thanh, nên bài thơ phải hiểu là Đọc tập thơ của Tiểu Thanh. Thứ hai, Tiểu Thanh ký là tên truyện viết về nàng Tiểu Thanh. Hiện nay người ta chỉ biết đến Tiểu Thanh truyện. Do đó có thể hiểu là Nguyễn Du đã đọc Tiểu Thanh truyện để viết bài thơ này.
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Bản dịch thơ của Vũ Tam Tập trong Thơ văn chữ Hán Nguyễn Du (Nhà xuất bản Văn học, 1965) như sau:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Tương truyền, Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc có tài và có sắc, sống khoảng đầu thời Minh. Vốn thông minh nên từ nhỏ cô đã thông hiểu nhiều môn nghệ thuật như thi ca, âm nhạc. Năm 16 tuổi, cô làm vợ lẽ một nhà quyền quý. Vợ cả ghen, đày cô ra sống một nơi cạnh Tây Hồ. Buồn rầu, Tiểu Thanh sinh bệnh chết và để lại tập thơ ký sự đời mình. Bà vợ cả vẫn ghen tìm đến và đốt tập thơ ký sự, còn lại một số bài trong "phần dư tập".
Thương xót cho số phận của những người phụ nữ tài sắc là cảm hứng lớn trong các sáng tác của Nguyễn Du. Nhà thơ không chỉ khóc nàng Tiểu Thanh mà còn khóc cho Thuý Kiều. Sắc đẹp, tài năng thơ ca, đàn hát là những giá trị tinh thần cao đẹp, nhưng chủ nhân của những giá trị đó lại phải chịu số phận bất hạnh.
Câu 2: Vậy Tố Như trong bài thơ là ai?