Phần còn lại của bài thơ Tây Tiến:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 chú giải, "không mọc tóc" nghĩa là lính Tây Tiến có nhiều người cạo trọc đầu hoặc bị bệnh sốt rét đến mức rụng hết tóc; "quân xanh màu lá" là hình ảnh người lính bị sốt rét, da xanh bủng như lá cây.
Theo GS Trần Đăng Suyền, nếu đoạn một của bài thơ là sự duyên dáng, thơ mộng, mỹ lệ của Tây Bắc trên nền hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội của núi rừng thì đến đoạn hai, hình tượng tập thể của người lính Tây Tiến xuất hiện một vẻ đẹp đầy bi tráng.
Ở đây, Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể, từ đó khái quát được gương mặt chung của cả đoàn quân. GS Suyền liên hệ với nhiều bài thơ khác cùng thời kỳ này và nhận thấy, thơ ca kháng chiến khi viết về người lính thường nói đến căn bệnh sốt rét hiểm nghèo.
Như nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ Đồng chí đã trực tiếp miêu tả căn bệnh ấy:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi.
Còn Tố Hữu khi vẽ chân dung anh vệ quốc quân trong bài Cá nước cũng có những hình ảnh cụ thể:
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ.
Bài thơ khép lại bằng bốn câu thơ, một lần nữa tô đậm không khí chung của thời Tây Tiến, tinh thần của những người lính Tây Tiến.
Câu 4: Những câu thơ sau nằm trong bài thơ nào của nhà thơ Quang Dũng?
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì.