Năm 1925, số học sinh người Việt theo học chương trình trung học Pháp ngày càng nhiều, khu bản xứ của trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn Chasseloup Laubat không còn đủ sức chứa. Chính quyền Pháp phải cho thành lập cơ sở mới theo thiết kế của kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve để làm một phân hiệu mới tại Chợ Quán (thuộc Chợ Lớn).
Pétrus Ký có kiến trúc độc đáo với ba phần riêng biệt gồm khu học, khu nội trú và khu thể thao. Khu học hình tứ giác với hai chái nhô ra làm văn phòng ban hành chính, các lớp học tập trung tại hai dãy nhà một tầng bao bọc sân chính.
Trong cùng khu học có các phòng chuyên môn vẽ và sử địa, giảng đường có bậc và các phòng thí nghiệm. Khu nội trú có một phần là nhà ăn 600 chỗ và phần còn lại là bốn tòa nhà xếp đặt theo hình nanh sấu.
Cuối tháng 11/1927, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne quyết định đặt tên phân hiệu mới xây của trường Chasseloup Laubat, mang tên Collège de Cochinchine, dưới sự điều hành của ban giám đốc trường chính và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu.
Năm học 1928-1929, chính quyền Pháp đổi tên phân hiệu thành Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ, khai giảng với 200 học sinh đầu tiên. Trường có sáp nhập thêm một hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ (Lycée) nên có hai cấp học, cao đẳng tiểu học và trung học (tú tài Pháp).
Nhân dịp khánh thành tượng đồng nhà bác học Trương Vĩnh Ký tại sảnh đường, Thống đốc Nam Kỳ đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, thường được gọi tắt là Pétrus Ký.
Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên hồi nhỏ là Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, là nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ 19.
Biết 26 thứ tiếng, năm 1874 Trương Vĩnh Ký được thế giới bình chọn là "nhà bác học về ngôn ngữ", nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ 19, được ghi tên trong Tự điển Larousse.
Từ năm 1976, trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện là một trong hai trường chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, bên cạnh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Một số cựu sinh viên tiêu biểu của trường như: GS Nguyễn Văn Chì, GS Phạm Thiều, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, GS Trần Đại Nghĩa, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông Mai Văn Bộ, ông Huỳnh Văn Tiểng, GS Trần Văn Khê...
Câu 2: THPT Nguyễn Thị Minh Khai trước đây từng là trường dành riêng cho nữ sinh với đồng phục đặc trưng màu gì?