Những câu thơ tiếp theo của đoạn trích Đất Nước:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
Theo chú giải của sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập một, "em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm" được lấy ý từ bài ca dao Khăn thương nhớ ai. Câu thơ "Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc; Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi" lấy ý từ những câu hò Bình Trị Thiên. Nguyên văn câu hò: "Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc; Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi; Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời; Kẻo mai kia con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh".
GS Trần Đăng Xuyền cho rằng, cả chương 5 của bản trường ca Mặt đường khát vọng như được bao bọc bởi không khí của văn hóa dân gian. Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rộng rãi và linh hoạt các chất liệu của văn hóa dân gian, từ ca dao, tục ngữ đến truyền thuyết, truyện cổ tích, từ phong tục tập quán đến những thói quen sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Những chất liệu ấy đã tạo nên một thế giới nghệ thuật vừa gần gũi, quen thuộc, vừa sâu xa, kỳ diệu, đủ sức gợi lên cái hồn thiêng liêng của non sông, đất nước.
Điều đó không đơn thuần chỉ là thủ pháp nghệ thuật, cũng không phải chỉ là cách tiếp thu sáng tạo văn học dân gian. Có thể nói, tư tưởng "Đất nước của nhân dân" đã thấm nhuần từ quan niệm đến cảm xúc, từ hình tượng đến chi tiết nghệ thuật của bài thơ.
Phần đầu của bài thơ được xem là một định nghĩa về đất nước. Đất nước không phải là khái niệm trừu tượng mà là những gì rất gần gũi, thân thiết, ở ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi người.
Câu 3: Địa danh, thắng cảnh nào được xuất hiện trong khổ thơ tiếp theo?