Năm 1964, thời điểm bộ phim Mary Poppins ra mắt, Walt Disney đã bước đến đỉnh cao sự nghiệp. Một năm sau ngày ông qua đời, 240 triệu người đã xem phim của Disney, hơn 100 triệu người đã xem chương trình truyền hình của Disney mỗi tuần, 80 triệu người đọc sách của Disney, 80 triệu người khác mua hàng hóa của Disney và khoảng 7 triệu người tới thăm công viên chủ đề Disneyland chỉ riêng trong năm 1966.
Nhưng di sản lớn nhất mà Disney để lại là sự tiên phong trong ngành hoạt hình, thay đổi ngành công nghiệp giải trí Mỹ với công viên chủ đề Disneyland, đưa phim điện ảnh đến với truyền hình và xây dựng "tập đoàn đa phương tiện hiện đại" đầu tiên. Tất cả đều thừa nhận, không có ai định hình nền văn hóa đại chúng Mỹ nhiều như Walt Disney.
Cho đến nay, ông vẫn giữ kỷ lục về số giải Oscar cá nhân với tổng cộng 22 lần bước lên bục vinh danh. Disney đã tạo ra nhiều nhân vật hoạt hình mang tính biểu tượng cho tuổi thơ của nhiều thế hệ, như Chuột Mickey, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Pinocchio, Fantasia, Dumbo, Lọ Lem và chú nai Bambi.
Nhưng rất lâu trước khi thành công đến với Disney, ông đã có một cuộc sống nghèo đói, khó khăn và thất bại. Khi còn là đứa trẻ 9 tuổi, Disney đã phải đi giao báo giúp cha bảy ngày mỗi tuần. Cậu bé phải thức dậy lúc 3h30 sáng mỗi ngày, giao báo trước khi đến trường và tiếp tục công việc sau khi tan học. Vào mùa đông, cậu thường ngủ bên bao báo cho ấm. Tuy vậy, cậu bé không bao giờ được nhận được tiền công vì cha ông, Elias đã lấy tất cả số tiền kiếm được. Trong 6 năm tiếp theo, Disney vẫn tiếp tục công việc khó nhọc này.
Trong khi những đứa trẻ bình thường khác dành thời gian rảnh để chơi thể thao và giao lưu bạn bè, thời gian rảnh của Disney chỉ chơi với những món đồ chơi mà ông thấy ở nơi giao báo.
Điều tồi tệ nhất là mối quan hệ của Disney với cha không tốt. Elias Disney là một người đàn ông cứng rắn, lạnh lùng, không bao giờ uống rượu hay chửi thề, luôn tự hào về việc áp đặt quyền lực của mình với tư cách là chủ gia đình. Đặc biệt, Elias rất nóng tính. Khi Elias tiếp tục thất bại trong kinh doanh, Disney trở thành nơi trút bực tức của cha, thậm chí bị đánh đập.
Tuổi thơ của Disney ám ảnh đến nỗi 40 năm sau, ông vẫn thường tỉnh dậy giữa đêm vì ác mộng. Mối quan hệ giữa Disney và cha tệ đến mức sau này ông từ chối rút ngắn thời gian chuyến công tác để tham dự tang lễ của Elias.
Bất chấp tuổi thơ đầy khó khăn, Disney vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ xây dựng một công ty về hoạt hình.
Đầu năm 1921, Disney thành lập công ty đầu tiên có tên Laugh-O-Gram Studio và giành được một hợp đồng cho 6 bộ phim hoạt hình. Nhưng ngay sau đó, doanh nghiệp đã phải chật vật để có đủ tiền duy tiền hoạt động. Disney đã cố gắng cứu công ty bằng cách sản xuất phim hoạt hình Alice ở xứ sở thần tiên.
Mỗi ngày, Disney đều ngủ trên sàn ở văn phòng, tắm ở nhà ga và ăn đậu lạnh đóng lon. Bất chấp những nỗ lực đó, năm 1923, Laugh-O-Gram phá sản và Disney quay trở lại cuộc sống nghèo khổ.
Disney thất vọng và đau lòng. Ông thề làm lại từ đầu và tới Hollywood với tham vọng trở thành đạo diễn phim. Nhưng sau vài tháng tìm việc, Disney một lần nữa phải thừa nhận thất bại.
Lời nguyền về cuộc đời thất bại của cha dường như đang lặp lại với chàng trai. Tuy nhiên, ông tiếp tục đứng dậy, liên hệ với các nhà phân phối để giới thiệu phim Alice ở xứ sở thần tiên. Lần thứ ba, may mắn đã mỉm cười. Margaret Winkler, một nhà phân phối phim ở New York, đưa ra đề nghị 1.500 USD cho 6 tập phim. Bộ phim hoạt hình này được đón nhận và Winkler đã đặt hàng thêm nhiều phim khác.
Không lâu sau, Disney cùng anh trai Roy thành lập Disney Brothers Studio, sau này trở thành Walt Disney. Phần còn lại là những thành công làm nên lịch sử.
Câu chuyện của Disney là một minh chứng về cách một người lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, đối mặt nhiều nghịch cảnh và thất bại, nhưng không bỏ cuộc. Cuộc đời của Disney đã để lại cho nhiều người những bài học về thái độ sống, cũng như cách vượt qua thất bại.
Bài học đầu tiên là hãy đi theo tiếng gọi của trái tim. Hành trình đến thành công luôn đầy những khó khăn, nhưng nó sẽ càng khó khăn hơn nếu bạn đi trên con đường mà không thực sự yêu thích và cảm thấy phù hợp.
Mọi người thường cố gắng theo đuổi một mục tiêu mà sâu thẳm trong mình thấy nó không thực sự phù hợp. Điều đó khiến mọi người rất nhanh mất động lực và bỏ cuộc khi đối mặt nghịch cảnh.
Không như nhiều người khác vào thời điểm đó, Disney không chọn nối nghiệp cha mà theo đuổi đam mê về phim hoạt hình, dù đây là ngành công nghiệp mới và chưa mang lại nhiều lợi nhuận như ngày nay.
Cha của Disney đã chỉ trích và nói rằng ông không thể thành công. Tuy nhiên, điều này không làm Disney nản lòng. Ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ và không bỏ cuộc, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thất bại sau đó.
Hãy cảm ơn những thất bại và tiếp tục tiến về phía trước là bài học thứ hai từ câu chuyện của Disney.
Mọi người thường cố gắng tránh thất bại trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, sau mỗi thành công luôn là rất nhiều thất bại. Thay vì chạy trốn, Disney đã đứng lên từ chính thất bại và biến nó trở thành động lực.
Ông tha thứ cho những sai lầm của bản thân, rút ra bài học sau những thất bại và biến chúng thành nền móng vững chắc cho thành công.
"Tất cả nghịch cảnh trong cuộc đời tôi, tất cả khó khăn và trở ngại, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Bạn có thể không nhận ra điều đó khi nó xảy ra, nhưng một điều gì đó tồi tệ có thể trở thành điều tuyệt vời nhất trên thế giới này đối với bạn", Walt Disney từng nói.
Thứ ba, hãy dám đánh cược tất cả. Trong poker, khi một người chơi cược tất, nghĩa là họ chấp nhận mọi rủi ro, kể cả trắng tay. Disney cũng như vậy. Ông chấp nhận rủi ro và đánh cược cuộc sống để theo đuổi ước mơ.
"Một người nên đặt mục tiêu cho mình càng sớm càng tốt và cống hiến tất cả năng lượng, tài năng của mình để đạt được điều đó. Khi có đủ nỗ lực, anh ta có thể đạt được điều đó. Hoặc anh ta có thể tìm thấy một điều gì đó thậm chí giá trị hơn. Nhưng cuối cùng, bất kể kết quả ra sao, anh ấy biết mình vẫn sống", Disney từng nói trong một cuộc phỏng vấn.
Bài học thứ tư đó là hãy đầu tư vào tri thức. Disney từng là một người cuồng học và thường dành buổi tối sau giờ làm để xem và nghiên cứu phim hoạt hình. Khi ông đọc nhiều sách hơn và học hỏi từ chính thất bại của mình, sự tự tin của ông cũng tăng lên và những thất bại cũng giảm đi.
Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tự tin và kiến thức luôn song hành cùng nhau.
Cuối cùng, hãy ôm lấy ảo tưởng về bản thân. Đôi khi, những người thành công thường bị dán mác "ảo tưởng". Nhưng một khi những giấc mơ điên rồ của họ trở thành hiện thực, họ sẽ nhanh chóng được gọi là người "thành công".
Ảo tưởng và thành công phi thường giống như hai mặt của một đồng xu. Để đạt được điều gì đó chưa từng được thực hiện, bạn phải tin tưởng vào nó.
Disney cũng từng ảo tưởng. Ông vẫn tin rằng giấc mơ điên rồ của mình sẽ thành hiện thực, ngay cả khi thực tế cho thấy điều ngược lại. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đang tận hưởng những thành quả của sự ảo tưởng đó, với những di sản mà Disney để lại.
Điều có thể rút ra từ câu chuyện là nếu bạn cảm thấy mình là người duy nhất tin vào giấc mơ điên rồ của bản thân, bạn có thể đã đi đúng hướng. Bởi nếu những người khác cũng tin vào điều đó, nó có thể đã được thực hiện.
"Khi bạn tin vào một điều gì đó, hãy tin tưởng nó hoàn toàn, âm thầm và không nghi ngờ", Disney cho hay.
Thanh Tâm (Theo Thrive Global)