Mẹ Teresa tên thật là Agnes, sinh ra ở Skopje, Macedonia, ngày 26/8/1910. Cha bà là doanh nhân thành đạt còn mẹ là một bà nội trợ. Ngay từ nhỏ, Agnes đã là một cô bé chu đáo và thích giúp đỡ người khác. Mẹ bà cũng là một phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và sùng đạo.
Khi Agnes lên 9 tuổi, cha qua đời nên mẹ bà phải một tay chăm sóc các con. Lên 12 tuổi, Agnes quyết định trở thành một nhà truyền giáo. Lên 18 tuổi, Agnes rời quê hương để gia nhập hội Nữ tử Loreto, một cộng đồng các nữ tu Ireland có nhiệm vụ truyền giáo ở Ấn Độ.
Agnes được đào tạo vài tháng ở Dublin sau đó cử đến Ấn Độ. Khi trở thành nhà truyền giáo, bà lấy lên là Mary Teresa. Tại thành phố Kolkata, Ấn Độ, bà ban đầu làm việc tại một bệnh viện, sau đó giảng dạy tại trường trung học St. Mary.
Bà yêu công việc dạy học và nhanh chóng trở thành giáo viên yêu thích của tất cả các học sinh. Nhưng tình cảnh nghèo đói và khổ sở của người dân Ấn Độ lúc bấy giờ khiến Agnes rất đau buồn, vì thế bà đã xin phép rời trường tu và dành phần còn lại của cuộc đời mình để giúp đỡ người nghèo ở Kolkata. Bà được đào tạo về chăm sóc sức khỏe và bắt đầu bắt tay trợ giúp những người nghèo bị bệnh trong thành phố.
Bà dành từng xu lẻ kiếm được để mua thuốc cho người nghèo. Nhưng khi mọi người biết đến nhiều hơn về tấm lòng của Mẹ Teresa, họ đã ủng hộ bà bằng những khoản đóng góp vì mục đích tốt đẹp. Không ít người tình nguyện trở thành thành viên trong nhóm giúp đỡ của bà.
Ngày 7/10/1950, Mẹ Teresa sáng lập dòng "Thừa sai Bác ái" để chăm sóc những người nghèo và người thiếu thốn, thu hút rất nhiều nữ tu khác tham gia. Dòng "Thừa sai bác ái" của bà đã mở rộng đến 20 thành phố của Ấn Độ.
Đến những năm 1960, thế giới đã mở rộng cửa đón nhận Mẹ Teresa. Bà được kính trọng vì trái tim nhân hậu và niềm đam mê giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa. Mẹ Teresa được trao Giải thưởng Hòa bình Ramon Magsaysay vào năm 1962. Năm 1979, bà nhận giải Nobel Hòa bình. Lúc bấy giờ, dòng "Thừa sai Bác ái" đã mở thêm 61 cơ sở mới tại 28 quốc gia bên ngoài Ấn Độ.
Năm 1982, Mẹ Teresa giải cứu 37 trẻ em bị mắc kẹt ở Beirut trong cuộc chiến tranh Lebanon. Bà tới Armenia sau trận động đất năm 1988 khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng. Mẹ Teresa cũng đến Ethiopia để hỗ trợ người nghèo, tới Chernobyl giúp đỡ các nạn nhân nhiễm phóng xạ. Năm 1996, Mẹ Teresa điều hành tới 517 cơ quan truyền giáo tại trên 100 quốc gia.
Sức khỏe của bà bắt đầu suy yếu vào năm 1983 khi bà lên cơn đau tim lần đầu tiên. Bà qua đời ngày 5/9/1997, hưởng thọ 87 tuổi. Chính phủ Ấn Độ lúc bấy giờ đã tổ chức tang lễ cho Mẹ Teresa nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với cuộc đời cống hiến quên mình của bà. Mẹ Teresa được phong Thánh Kolkata vào ngày 4/9/2016.
"Nếu tôi trở thành một vị thánh, tôi chắc chắn sẽ là vị thánh 'bóng tối', liên tục vắng mặt trên Thiên đường để chiếu rọi ánh sáng cho những người chìm đắm trong bóng tối ở Trái Đất", Mẹ Teresa từng nói. Đây có thể được coi là triết lý sống của cuộc đời bà: Phụng sự vì người yếu thế.
Vũ Hoàng (Theo Make Me Genius, Speaking Tree)