Theo tuyên bố hôm 20/4 của Tập đoàn Luật Berman có trụ sở tại thành phố Miami, bang Florida, chính phủ Trung Quốc phải bồi thường vì đã biết về Covid-19 nhưng không kịp thời thông báo cho phần còn lại của thế giới. Trên website của mình, công ty luật Berman cho biết đơn kiện của họ được nộp vào ngày 12/3 và hiện đang chờ xử lý tại tòa án quận Nam Florida.
Vụ kiện "tìm kiếm khoản bồi thường hàng tỷ USD cho những người chịu tổn hại cá nhân, tử vong không đáng có, thiệt hại tài sản và các thiệt hại khác do Trung Quốc không ngăn chặn Covid-19 dù họ có khả năng ngăn chặn dịch bệnh ở giai đoạn đầu".
Berman cho hay họ "mong muốn đấu tranh cho quyền của người dân và doanh nghiệp trên khắp Florida và những nơi khác của đất nước, những người đã bị nhiễm virus, phải chăm sóc người thân, đối mặt thảm họa tài chính, cách biệt cộng đồng và bị cách ly".
"Vụ kiện của chúng tôi đề cập đến những người bị tổn hại thân thể do phơi nhiễm virus cũng như hoạt động thương mại của Trung Quốc ở các khu chợ tươi sống", phát ngôn viên Tập đoàn Luật Berman nói, thêm rằng tính đến cuối tháng 3, hơn 5.000 người Mỹ đã ký vào đơn kiện.
Phản ứng về thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua rằng Washington đã không bồi thường cho ai sau đại dịch cúm H1N1 năm 2009, vốn được phát hiện đầu tiên ở Mỹ.
Một đơn kiện khác cũng được nộp tại thành phố Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD cho 5 doanh nghiệp địa phương. Theo đơn kiện, chính phủ Trung Quốc nên chia sẻ thêm thông tin về nCoV, nhưng họ đã đe dọa các bác sĩ, nhà khoa học, nhà báo, luật sư và khiến Covid-19 lây lan.
Tuy nhiên, Stephen L Carte, giáo sư luật tại Đại học Yale, cho biết với tư cách là một quốc gia, Trung Quốc sẽ không phải bồi thường trước những đơn kiện như vậy, dù với bất cứ cáo buộc nào.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần phủ nhận che giấu thông tin trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, nói rằng họ đã lập tức báo cáo sự bùng phát dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự kiểm soát cứng nhắc của Trung Quốc khiến các cảnh báo sớm bị "bóp nghẹt".
Một cuộc điều tra được công bố tuần trước của AP cho thấy người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ đã mô tả một tình huống "nghiêm trọng và phức tạp" được ông so sánh với đại dịch SARS năm 2003 trong cuộc họp kín với quan chức y tế tỉnh Hồ Bắc vào ngày 14/1. Tuy nhiên, đến 20/1, chính phủ Trung Quốc mới cảnh báo công chúng về một dịch bệnh có khả năng xảy ra và chỉ phong tỏa Vũ Hán sau đó ba ngày.
Hiệp hội Henry Jackson, viện nghiên cứu bảo thủ ở Anh, đầu tháng này cho rằng các nước G7 có thể kiện Trung Quốc bồi thường hơn 6,3 nghìn tỷ USD. John Sawers, cựu giám đốc cơ quan tình báo MI6 của Anh, cũng nói rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch vì những nỗ lực ban đầu nhằm che giấu cuộc khủng hoảng.
"Nhiều người Mỹ rất giận dữ vì những gì họ xem là do Trung Quốc gây ra cho tất cả chúng ta và Bắc Kinh đang trốn tránh trách nhiệm về nguồn gốc virus, và không ngăn chặn dịch bệnh ngay từ ban đầu", Sawers nói.
Tờ Bild của Đức công bố một "hóa đơn" cho Trung Quốc, yêu cầu bồi thường 24 tỷ euro (gần 26 tỷ USD) cho doanh thu du lịch bị mất trong tháng 3 và tháng 4, 50 tỷ euro (hơn 54 tỷ USD) cho doanh nghiệp nhỏ, và thêm 149 tỷ euro (hơn 161 tỷ USD) nếu GDP của Đức giảm 4,2% trong năm 2020 như dự kiến.
"Chính phủ và các nhà khoa học của ông từ lâu phải biết rằng nCoV rất dễ lây nhiễm, nhưng vẫn không cho thế giới biết rõ thông tin. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu được biết những gì đang xảy ra ở Vũ Hán", tờ báo viết trong bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc tháng 12/2019. Dịch bệnh đã khiến gần 2,5 triệu người nhiễm và hơn 170.000 người tử vong. Mỹ và nhiều nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức phải chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch toàn cầu này.
Huyền Lê (Theo ABC)