Ngày 20/7, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (thuộc Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam) họp báo thông tin về dự án Trợ giúp xác minh danh tính 5.000 liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Việc xác minh được thực hiện theo quy trình khớp nối, xác minh thông tin liệt sĩ tại hồ sơ quân nhân và thực địa. Sau đó, trung tâm thay mặt thân nhân liệt sĩ kiến nghị cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang.
Dự án sẽ tiến hành từ năm 2016 đến 2019 tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện, đơn vị này có dữ liệu của hơn 900.000 hồ sơ quân nhân, liệt sĩ hy sinh, đồng thời giải mã thành công phiên hiệu các đơn vị quân đội trong chiến tranh, có thể trợ giúp cho thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm hài cốt. Những dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn, nhiều người trong suốt 12 năm khi làm việc với các đơn vị quân đội, hội cựu chiến binh.
Song song là dự án Ráp nối thông tin để trả lại chính xác tên và nguyên quán cho 541 liệt sĩ hy sinh từ ngày 21/11/1966 đến ngày 18/6/1969 tại khu vực Phước Tuy cũ. Tài liệu do các cựu chiến binh Australia thuộc Trung tâm Nghiên cứu xung đột vũ trang (Đại học New South Wales) cung cấp và cùng thực hiện. Khi thông tin được ráp nối chính xác, trung tâm tiếp tục cùng các thân nhân liệt sĩ kiến nghị và phối hợp với cơ quan quân đội rà soát theo tọa độ chôn cất từ tài liệu để tìm kiếm hài cốt.
Trước đó, từ năm 2014-2016 trung tâm cùng Cục Người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm tình nguyện quốc gia đã tìm kiếm thân nhân của 500 liệt sĩ có phần mộ nhưng thiếu hoặc chưa chính xác và trợ giúp 266 gia đình nhận lại chính xác phần mộ người thân. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc trung tâm cho biết khảo sát các nghĩa trang liệt sĩ thấy còn hàng nghìn phần mộ thiếu hoặc sai thông tin. Đơn cử nhiều nghĩa trang liệt sĩ cấp xã tại huyện Quế Sơn (Quảng Nam) còn hơn 1.200 phần mộ thiếu hoặc sai thông tin; 8 nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Kon Tum có gần 300 phần mộ thông tin chưa chính xác.
Việc xác minh, trả lại thông tin cho nhiều liệt sĩ hiện gặp nhiều khó khăn khi cuộc chiến trôi qua hơn 40 năm. Có 10 năm chiến đấu ở chiến trường, đại tá Nguyễn Mạnh Đẩu, Trưởng ban cố vấn trung tâm, nguyên Cục trưởng Cục chính sách Bộ Quốc phòng, cho biết trong chiến tranh, để đảm bảo bí mật, nơi chiến đấu, đơn vị đều được mã hóa thành ký hiệu. Điều này gây khó khăn trong công tác tìm kiếm và xác định chính xác thông tin mộ liệt sĩ. Thời hậu chiến, việc tổ chức quản lý còn manh mún, thủ công, cẩu thả trong chép tay hồ sơ liệt sĩ từ bản này sang bản khác khiến thông tin liệt sĩ bị sai, thiếu rất nhiều.
"Nhiều năm trước, chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ vài năm sẽ giải quyết gọn vấn đề hậu quả chiến tranh, chưa lường hết khối lượng to lớn, tính chất phức tạp của nó, đặc biệt là vấn đề thương binh liệt sĩ. Chiến tranh xảy ra 30 năm thì hàng trăm năm sau mới giải quyết xong hậu quả", ông nói.
Còn nửa triệu liệt sĩ chưa xác định được thông tin Năm 2013, Chính phủ phê duyệt 2 đề án là Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai. Còn lại Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Đến nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin có 2 dạng: thiếu hoàn toàn (liệt sĩ chưa biết tên); thiếu một phần, chỉ có quê, chỉ có đơn vị hoặc chỉ còn tên mà không có bất kỳ thông tin nào khác. |
Hoàng Phương
Đọc thêm:
>> Còn hơn nửa triệu liệt sĩ chưa xác minh được thông tin
>> Nỗi bất lực của người thân đi tìm hài cốt liệt sĩ
>> Bi tráng ca cho ai?