Tháng 7, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (thuộc Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam) cùng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) tổ chức tư vấn phương pháp tìm hài cốt cho hàng trăm gia đình liệt sĩ. Có mặt từ sớm, người mang theo giấy báo tử, người cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công, tất cả đều chung niềm hy vọng là biết được thông tin chồng, cha, anh, em mình đang nằm ở đâu.
Bà Nguyễn Thị Lan nhịn ăn sáng, đi bộ từ xã Hữu Bằng đến trung tâm huyện từ sáng sớm. Tóc bạc gần hết mái đầu, bà cụ đứng ngồi không yên, trên tay cầm giấy báo tử của chồng - liệt sĩ Đặng Văn Khái. Tấm giấy ố vàng, gần rách thành bốn mảnh do gấp lâu ngày được bà Lan ép bóng kính cẩn thận.
Bà tâm sự, hai vợ chồng lấy nhau được 3 năm, khi bà có thai 2 tháng thì ông lên đường nhập ngũ. Lá thư duy nhất bà nhận được từ người chồng gửi về khi đơn vị ông hành quân giữa Trường Sơn. Trong thư ông dặn vợ đặt tên con trai là Quốc Vĩnh. Đọc thư bà ôm con vào lòng rồi bật khóc, bảo "Thế này là bố vĩnh biệt mẹ con mình rồi con ơi".
Nhiều năm qua, bà Lan ở vậy thờ chồng, nuôi con và nghe ngóng về nơi hy sinh của chồng với mong mỏi mang được hài cốt ông về quê hương. Đọc trên giấy báo tử thấy có thông tin "Đơn vị P1m, hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía Nam trong trường hợp chiến đấu", nhưng bà không biết P1m là ký hiệu của đơn vị nào, mặt trận phía Nam là cụ thể là khu vực chiến trường nào, chồng bà hy sinh tại đâu. 45 năm qua, chưa ai nói cho bà biết.
Không có điều kiện đi các nghĩa trang khắp đất nước tìm hài cốt chồng, bà chỉ tìm cách dò hỏi những người cùng đi bộ đội với ông năm ấy nhưng chẳng ai biết. Bà đưa thông tin lên truyền hình, thậm chí tìm đến nhà ngoại cảm, nhưng không có kết quả. "Tôi chỉ muốn tìm xem ông ấy ở đâu để cho con trai mang ông ấy về. Sống còn người, chết thì cũng phải còn nhúm xương", bà nói.
Kể về hoàn cảnh gia đình, bà Bùi Thị Dẫn không kìm được nước mắt. Bố bà là liệt sĩ Bùi Thế Giới, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, không có chồng con, giờ bà Dẫn sống một mình. Ước nguyện duy nhất của bà là tìm thấy hài cốt ông về để đặt cạnh mộ những người thân. "Tôi sợ vài năm nữa mình không còn sống trên đời thì không ai đi tìm bố, gia đình lúc chết cũng không được đoàn tụ. Dù không tìm thấy hài cốt nhưng chỉ cần biết được nơi hy sinh của ông, mang về được nắm đất để thờ cúng coi như được ai ủi", bà nói.
Hơn 60 năm qua, không có di ảnh bố, bà thờ ông qua tấm bằng Tổ quốc ghi công và huân chương kháng chiến. Không còn giấy báo tử của liệt sĩ nên bà không biết đi đâu để hỏi thông tin, chỉ nhớ mang máng lời bà nội dặn là bố hy sinh vào ngày 11/4 nên lấy ngày này làm giỗ hàng năm. Bà Dẫn được các tình nguyện viên tư vấn làm đơn đến cơ quan chức năng để xin cấp lại sao lục giấy báo tử. Từ giấy báo tử mới có thêm thông tin để tìm hồ sơ quân nhân và biết chính xác được liệt sĩ hy sinh ở đâu để tìm kiếm.
Ông Nguyễn Tân Phong, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy cho biết, toàn huyện có hơn 2.600 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Đến nay vẫn còn khoảng 1.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Có bố là liệt sĩ đặc công hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ nên ông Phong hiểu rõ khó khăn của các gia đình trong công cuộc đi tìm hài cốt. "Có gia đình vì sốt ruột, mong mỏi tìm được hài cốt mà tìm đến nhà ngoại cảm hoặc tự ý cất bốc mộ khi chưa được phép di dời", ông Phong nói.
Hơn 10 năm tư vấn phương pháp tìm và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sĩ, bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Trung tâm cho biết cách tìm hiệu quả là căn cứ vào thông tin trên giấy báo tử. Từ giấy báo tử, gia đình có thể liên hệ với Bộ chỉ huy quân sự địa phương để xin hồ sơ, trích lục quân nhân. Đây là tập tài liệu chứa đựng tất cả thông tin về liệt sĩ được ghi lại ngay trong thời điểm chiến tranh. Trên hồ sơ quân nhân có 3 yếu tố quan trọng phục vụ cho việc tìm hài cốt liệt sĩ: đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh thực tế và trường hợp hy sinh để biết liệt sĩ được quy tập hay chưa và nằm ở nghĩa trang nào, từ đó có thể khoanh vùng tìm kiếm chính xác hơn.
"Hiện chúng tôi có dữ liệu của hơn 900.000 hồ sơ quân nhân, liệt sĩ hy sinh, đồng thời giải mã thành công phiên hiệu các đơn vị quân đội trong chiến tranh nên có thể trợ giúp liên tục cho thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm hài cốt. Những dữ liệu này được thu thập từ nhiều nguồn, nhiều người trong suốt 11 năm khi làm việc với các đơn vị quân đội, các hội cựu chiến binh", bà Hằng thông tin.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với gia đình liệt sĩ là chưa có một đơn vị nào cung cấp thông tin cũng như tư vấn cho họ cách tìm mộ, hài cốt. Họ thường gặp trở ngại trong việc giải mã phiên hiệu các đơn vị, chiến trường để tìm được chính xác nơi liệt sĩ hy sinh. "Có bệnh vái tứ phương", họ tự đi tìm bằng nhiều cách, người gặp đồng đội liệt sĩ để hỏi thăm, người đi tới các nghĩa trang tìm kiếm, thậm chí nhờ nhà ngoại cảm giúp đỡ. Khả năng tìm thấy phần mộ chính xác 100% rất hiếm. Có trường hợp tìm thấy phần mộ có họ tên, không có quê quán nhưng nhiều gia đình vẫn tìm cách nhận về để thờ cúng.
"Có nhiều sự việc đau lòng xảy ra, liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Đông Nam Bộ nhưng gia đình lại đi tìm và cất bốc hài cốt ở Quảng Trị về để thờ cúng, hoặc bốc một ngôi mộ trùng tên với liệt sĩ nhà mình nhưng không rõ quê quán, chưa có thông tin đầy đủ. Chính vì vậy, thông tin về liệt sĩ cần được cung cấp đến thân nhân của họ càng sớm càng tốt", bà Hằng nói
Hoàng Phương